“Cả tư duy và mô hình tăng trưởng không còn phù hợp”
Vào thời điểm khép lại một năm đầy khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nhìn lại những mảng sáng tối và triển vọng của nền kinh tế trong năm 2010 với những đánh giá đa chiều.
Thưa ông, đã có một số ý kiến nhìn nhận lạc quan về sức tăng trưởng của năm 2009, tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010 sẽ cùng gam màu sáng?
Kinh tế Việt Nam năm 2009 không rơi vào suy thoái, chỉ bị suy giảm, đang phục hồi, ngăn chặn được nguy cơ phá sản nhiều doanh nghiệp; không xảy ra tình trạng tăng tỷ lệ thất nghiệp đô thị; xuất khẩu dù giảm khá mạnh nhưng vẫn duy trì được thị phần ở các thị trường chính; kiểm soát được lạm phát ở mức 6,88% đạt mục tiêu đề ra... là những kết quả đáng mừng.
Tuy nhiên, không có thành công nào mà không phải trả giá. Và cũng như kinh tế thế giới, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều, chưa vững chắc, tạo nên bức tranh sáng tối lẫn lộn.
Người nghiêng về phía các gam màu sáng, nhất là nhìn về số lượng thì đánh giá chúng ta đã phục hồi nhanh, thậm chí rất nhanh và dự báo sắp tới khá sáng sủa.
Người nghiêng về các gam màu tối, và nhất là đào sâu vào mặt chất lượng tăng trưởng, vào các khó khăn đang tiềm ẩn dễ dẫn tới nhận định sự phục hồi kinh tế nước ta dè dặt hơn. Tôi thuộc nhóm người này.
Như vậy, những khó khăn ngắn hạn năm 2010 phải gánh chịu là gì, theo ông?
Một trong những nội dung quan trọng của quan niệm “phát triển bền vững” là phát triển của năm trước, thời kỳ trước phải tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của năm kế tiếp, thời kỳ kế tiếp.
Kết quả đạt được của năm 2009 cho thấy chưa tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển trong năm 2010, năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 và cũng là năm cuối cùng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010.
Những khó khăn mà năm 2010 và một số năm tiếp theo phải vượt qua có nhiều, bao gồm cả các vấn đề ngắn hạn và cả những vấn đề cơ bản, dài hạn. Ở đây xin nêu đôi điều trước mắt. Có mấy vấn đề có thể gây bất ổn nhất đối với kinh tế vĩ mô cho năm tới, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, nổi bật là vấn đề tỷ giá hối đoái và lạm phát.
Xuất khẩu năm 2009 giảm nhiều so với năm 2008; năm 2010 dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so năm 2009, nhưng vẫn chưa đạt mức năm 2008 (62,7 tỷ USD năm 2008 so với 60 tỷ USD dự kiến cho năm 2010), ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và gây khó khăn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, cán cân tổng thể năm 2009 và dự báo cho cả năm 2010, tuy chưa vượt quá tầm kiểm soát, đã bị thâm hụt. Hậu quả là khó khăn trong ổn định tỷ giá hối đoái. Tuy chỉ số giá thị trường hiện đang còn ở mức thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trong năm 2010 do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, tiền tệ, tín dụng năm 2009 tăng trưởng cao. Tín dụng cả năm 2009 ước tăng gần 38% so với cuối năm 2008, trong khi GDP tăng 5,32%. Như vậy, tỷ lệ giữa nhịp tăng tín dụng và nhịp tăng GDP lên đến 7 là con số khá cao.
Thứ hai, tăng chi tiêu của nhà nước, bao gồm cả tăng đầu tư kinh tế, xã hội; tăng lương cơ bản cho bộ máy công quyền, người về hưu... lên 12,3%, áp dụng từ 1/5/2010, cho dù dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước có thấp hơn 2009 (6,9% GDP), nhưng vẫn còn khá cao (6,2% GDP).
Thứ ba, đặc biệt, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới dẫn đến tăng giá nhiều nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng.
Với tư cách là nước nhập siêu thì đây là vấn đề rất lớn. Ngoài ra, sự phục hồi vẫn đang phải dựa vào các yếu tố “ăn nhanh” tức là những yếu tố khai thác theo chiều rộng, càng khoét sâu vào những mặt yếu cơ bản của nền kinh tế.
Môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng, tuy vài năm qua đã làm nhiều việc, nhưng chưa chặn đứng được, là cản trở tăng trưởng bền vững không những trong dài hạn mà cả ngắn hạn.
Các vấn đề trên đây là những khó khăn tiềm ẩn, nhưng thực tế diễn biến thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là điều hành vĩ mô.
“Cần đưa ra sớm chương trình tái cấu trúc kinh tế”
Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2010 là 6,5%, con số này có khả thi không thưa ông?
Năm 2010 vẫn còn không ít khó khăn như đã nêu. Con số 6,5% là khả thi nếu khắc phục tốt những khó khăn trước mắt và nhanh chóng triển khai chương trình tái cấu trúc kinh tế nhằm khắc phục những mặt yếu cơ bản trên đây của nền kinh tế. Vấn đề này đã trở nên bức bách. Đây là vấn đề lâu dài nhưng phải làm từ bây giờ.
Phải xem đây là nhiệm vụ số một của cả nước nếu muốn phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo. Khắc phục những yếu kém này không phải chỉ là trách nhiệm của nhà nước ở tầm vĩ mô mà quan trọng nhất là trách nhiệm của từng doanh nghiệp. Coi đây là tiềm năng to lớn, là dư địa để tăng trưởng và phát triển của cả nước, của từng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Vốn ODA cam kết cho năm 2010 lên đến 8 tỷ USD, bên cạnh niềm vui về con số kỷ lục này, theo ông, có điểm nào đáng lo ngại về sức hấp thụ của nền kinh tế hiện nay?
Đạt được con số 8 tỷ USD là một tín hiệu vui. Những nước nghèo đi lên, muốn phát triển nhanh, bên cạnh tiết kiệm nội địa để tăng vốn đầu tư và đầu tư có hiệu quả, phải vay mượn từ bên ngoài, cả vay ODA và vay thương mại.
Nhưng vấn đề đặt ra là sử dụng tiền vay, cả vay trong nước và vay nước ngoài, thế nào cho có hiệu quả, phát triển được kinh tế, xã hội, trả được nợ. Điều đáng quan tâm là trên thế giới số nước “vì vay nợ mà nghèo đi” nhiều hơn nhiều so với các nước “nhờ vay nợ mà giàu lên”. Đương nhiên chúng ta mong muốn ghi tên mình vào nhóm nước thứ hai, nhưng giữa muốn và làm đang còn độ cách.
Phải nhanh chóng khắc phục những khó khăn, ách tắc trong hấp thụ vốn vay. Một trong những yếu kém nổi bật hiện nay là tình trạng giải ngân quá chậm, cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Càng giải ngân chậm bao nhiêu thì hiệu quả và những “ưu đãi” của vốn ODA càng giảm bấy nhiêu.
Gói giải pháp kích thích kinh tế của năm 2008 và 2009 đã có hiệu quả nhất định, theo ông, có nên tiếp tục sử dụng những giải pháp tương tự cho năm 2010?
Cần đánh giá đúng tác động thực sự của gói kích thích kinh tế áp dụng trong thời gian qua, cả mặt tích cực và hệ lụy để có đối sách tiếp theo.
Tôi cho rằng, việc không tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4% là đúng và cần thiết bởi lẽ tác dụng thực sự của chính sách này không quá cao như mong đợi, nhưng lại để lại những kết quả không mong đợi: “hỗ trợ người khỏe, chưa giúp được cho người yếu”; không kiểm soát được vòng quay vốn ngắn hạn; nguy cơ chảy vốn vào kênh không khuyến khích đầu tư; áp lực tái lạm phát; làm méo mó tín hiệu thị trường khi lãi suất cho vay VND và USD gần như bằng nhau; tái lập lại chế độ “hai giá”...
Vì vậy, cần đưa ra sớm chương trình tái cấu trúc kinh tế. Đến bây giờ mới nói đến cấu trúc nền kinh tế là chậm, lỡ thời cơ. “Biến họa thành phúc” đã nói khá sớm, mà nay mới khởi động là muộn. Cần tiến hành ngay cấu trúc lại nền kinh tế cả cơ cấu lẫn cơ chế, cả vĩ mô lẫn vi mô.
Theo Lê Hường
VnEconomy