1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cả trăm tỉ đồng có nguy cơ đổ biển

Hơn ba tháng qua, không còn một hoạt động xây dựng nào trên công trình xây dựng hệ thống kè bảo vệ, cứu hộ Mũi Cà Mau. Những mảng, cọc bê tông giá trị hơn 100 tỉ đồng nằm rời rạc, ngổn ngang và có nguy cơ đổ biển vì các nhà thầu không tiếp tục thi công.

Bỏ chạy vì hết tiền

 

Tìm hiểu lý do vì sao công trình đang xây dang dở lại bị ngưng đột ngột, các nhà thầu thi công có cùng câu trả lời: Hết tiền nên không thể tiếp tục thi công!

 

Ông Châu Quốc Khải, Giám đốc DNTN Tân Phát, nhà thầu thi công đoạn cuối (2.000 m) công trình kè, nói: “Doanh nghiệp chúng tôi cũng không thoát ra được tình hình khó khăn chung, ngân hàng thì đang siết chặt tín dụng nên doanh nghiệp bí vốn không thể tiếp tục thi công. Trong khi doanh nghiệp đã hoàn thành 60% khối lượng nhưng chủ đầu tư chỉ mới thanh toán 40%. Vì thế, tôi đã có đơn xin tạm ngưng thi công”.

 

Những mảng, trụ bê tông này sẽ hỗ trợ cho sóng “nuốt” Mũi Cà Mau nhanh hơn. Ảnh: TV
Những mảng, trụ bê tông này sẽ hỗ trợ cho sóng “nuốt” Mũi Cà Mau nhanh hơn. Ảnh: TV

 

Tương tự, Công ty Quang Tiền, nhà thầu xây dựng đoạn kè giữa dài gần 700 m, cũng đã ngừng thi công từ nhiều tháng nay với lý do chủ đầu tư không còn vốn để thanh toán.

 

Do chưa có lời hứa nào từ UBND tỉnh Cà Mau về nguồn vốn thanh toán cho công trình, các nhà thầu đã rút tất cả cơ giới, lán trại và công nhân. Công trình hiện nằm đắp chiếu, mặc cho sóng biển bào mòn.

 

Biết nhưng… bó tay

 

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau - đại diện chủ đầu tư, nói: “Chúng tôi biết rõ công trình dừng lại nửa chừng như hiện nay thì sẽ không phát huy được tác dụng bảo vệ Mũi Cà Mau, thậm chí nó sẽ bị cuốn trôi do mùa nước lên, sóng lớn sắp tới. Chúng tôi đã kêu gọi các nhà thầu tiếp sức nhưng họ cũng kêu hết vốn nên tạm ngưng. Tỉnh đã nhiều lần đề nghị trung ương cấp vốn để hoàn thành công trình nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi đang tiếp tục có tờ trình xin cấp vốn để hoàn tất công trình”.

 

Cũng theo ông Nam, năm 2011, trước nguy cơ Mũi Cà Mau biến mất do sạt lở, biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã khảo sát và đề nghị phải xây gấp kè bảo vệ Mũi Cà Mau. Chính phủ đã ứng trước 100 tỉ đồng để thực hiện trước những phần việc cấp bách, sau đó sẽ cấp tiếp khi có dự án được bộ, ngành trung ương phê quyệt. Quá trình thực hiện, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn địa phương được 20 tỉ đồng để đối ứng thực hiện công trình. Hiện còn thiếu 100 tỉ đồng để hoàn thành công trình nhưng tỉnh đã hết khả năng.

 

Với đà không biết bao giờ mới hoàn thành, công trình cứu Mũi Cà Mau có nguy cơ trở thành công trình gây hại cho vùng đất Mũi. Bởi theo người dân địa phương, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch là thời gian triều cường cao nhất, sóng biển mạnh nhất đập vào Mũi Cà Mau. “Những mảng bê tông nằm rời quanh Mũi Cà Mau do xây dựng dở dang sẽ tiếp sức cho sóng biển “nuốt” vùng đất Mũi này” - ông Tám Bi, một người dân ở gần công trình, khẳng định.

 

Năm 2011, báo chí cảnh báo: mũi Cà Mau sẽ biến mất do biến đổi khí hậu và Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận phải khẩn trương cứu Mũi Cà Mau. Chính phủ đã ứng ngay cho Cà Mau 100 tỉ đồng để xây kè vì công trình không chỉ bảo vệ đất đai mà còn bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa được người dân trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

 

Theo Trần Vũ

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm