ĐBSCL
Cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới
(Dân trí) - Sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết khiến người nuôi cá tra Việt Nam luôn đối diện với cảnh phá sản. Đến nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức hội nghị bàn giải pháp chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL vừa diễn ra mới đây.
15 năm qua, ngành cá tra phát triển theo tính chất tự phát, 5 năm gần đây thì hầu như không phát triển. Tình trạng mất cân đối cung cầu nguyên liệu, dư thừa công suất chế biến, cạnh tranh thiếu lành mạnh vẫn thường xuyên diễn ra ở các cơ sở chế biến.
Phấn lớn các cơ sở chế biến cá tra vùng ĐBSCL đều được đầu tư từ 2003, với nhiều thiết bị chế biến chưa đồng bộ. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp lạm dụng hóa chất tăng trọng và mạ băng sản phẩm quá cao.
Ông Võ Minh Chiến – Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đánh giá: “Những năm gần đây, hộ nuôi cá tra luôn treo ao, người nuôi luôn đối diện với cảnh phá sản. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát và thiếu liên kết trong sản xuất. Ngoài ra, sự quản lý của các cấp, các ngành trong vùng nuôi còn thả nổi trong thời gian dài dẫn đến mất cân đối cung cầu. Đến nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới”.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến ngày 19/7, lũy kế diện tích nuôi thả mới cá tra vùng ĐBSCL là 2.024ha, tăng 2,01% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 567,018 tấn, tăng 0,24% so với cùng kỳ, năng suất đạt trung bình khoảng 280 tấn/ha.
Về tình hình xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 đạt gần 750 triệu USD, giảm 9,03% so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu đến 113 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định, dự báo đến tháng 9 tới, xuất khẩu cá tra có thể đạt trên 1,2 tỷ USD. Đến cuối năm, tình hình xuất khẩu có thể bằng hoặc cao hơn năm 2014.
“Về lâu dài, vấn đề quan trọng là làm sao không phụ thuộc vào 1 hay 2 thị trường nào cả. Các doanh nghiệp không nên tập trung nhiều vào thị trường Trung Quốc mà cần đẩy mạnh vào các thị trường khó tính khác, có đảm bảo việc truy suất nguồn gốc và minh bạch thông tin chất lương sản phẩm. Trong quá trình đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng đề án thương hiệu ngành cá”, ông Dũng nói.
Phạm Tâm – Diễm Quỳnh