1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cà phê = bột đậu, bắp + hóa chất

Mỗi tháng cung ứng ra thị trường hàng tấn cà phê bột nhưng thực chất chỉ là đậu nành, bắp và hóa chất không rõ nguồn gốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Giá vàng tuần tới có thể giảm về mốc 30 triệu đồng/lượng?
*
Các loại tiền ảo không được sử dụng tại Việt Nam
* Vụ “ông hội đồng” bị bắt: Ngân hàng khó xiết nợ, dân khốn đốn
* Cà phê = bột đậu, bắp + hóa chất
* “Công ty ma” xà xẻo của những người khốn khổ nghìn tỷ USD/năm
* Doanh nghiệp phương Tây trước ‘cơ hội vàng’
* Bão Kalmaegi cấp 12 có khả năng mạnh thêm

Theo giới kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện rất nhiều cơ sở chế biến cà phê không bảo đảm chất lượng hoặc cà phê giả. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Đã nhắc nhở vẫn vi phạm

Ngày 27/8, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột Nhất Thiên của ông Nguyễn Đình Quang (thôn 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột).

Đây là cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khu vực chế biến ở cơ sở này lụp xụp, dụng cụ là những thùng nhựa, thùng sắt dơ bẩn, thậm chí nguyên liệu được đựng trong những chiếc lốp cao su để bừa bộn, bốc mùi hôi rất khó chịu. Mỗi tháng, cơ sở này cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn cà phê bột.

Cà phê = bột đậu, bắp + hóa chất
Cà phê = bột đậu, bắp + hóa chất
Cơ sở sản xuất cà phê Nhất Thiên bừa bãi, không bảo đảm vệ sinh. Ảnh dưới: Can đựng hóa chất có nguồn gốc Trung Quốc từ cơ sở chế biến cà phê Nhất Thiên

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ phát hiện đậu nành, bắp và các can đựng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc mà không có bất kỳ hạt cà phê nào trong kho. Về cách thức chế biến, chủ cơ sở cho rằng cứ trộn các hương liệu vào đậu, bắp sau khi rang xay rồi đóng gói là xong. Đối với những can hóa chất, chủ cơ sở cho biết mua tại các chợ trên địa bàn nhưng không biết cụ thể là hóa chất gì.

Ngoài sản phẩm Nhất Thiên, tại cơ sở này còn có một số bao bì sản phẩm cà phê bột khác, như: Ngọc Hà, Cảm, Chồn với những địa chỉ đăng ký khác nhau ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Theo chủ cơ sở, ngoài sản xuất cà phê có nhãn hiệu Nhất Thiên thì cơ sở còn nhận gia công theo yêu cầu của khách hàng.

Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk, cho biết: “Đầu năm 2014, nhận được phản ánh, đơn vị đã kiểm tra và nhắc nhở cơ sở này một lần. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra lại thì cơ sở này vẫn tiếp tục vi phạm nên chúng tôi yêu cầu tạm ngừng sản xuất và tạm giữ hơn 100 kg cà phê bột nhãn hiệu Nhất Thiên”.

Nguy cơ gây hại sức khỏe

Sau nhiều năm chế biến cà phê từ đậu nành, bắp và các loại hóa chất để cung cấp cho các quán cà phê nhỏ, anh Đ. (ngụ TP Buôn Ma Thuột) quyết định bỏ nghề vì cho rằng “làm mãi như thế thất đức lắm”.

Anh tâm sự: Thật ra, để làm được cà phê “bẩn” còn khó hơn cả cà phê “sạch”. Cà phê “sạch” thành phần chủ yếu là cà phê, còn cà phê “bẩn” do hàm lượng cà phê rất ít hoặc không có nên người sản xuất phải cho các phụ phẩm theo tỉ lệ nhất định mới giống cà phê.

“Trước đây, cà phê bột chỉ có khoảng 10% thành phần là cà phê, còn lại là đậu nành, bắp và hóa chất. Làm cà phê “bẩn” cũng phải có “thương hiệu”, như độ sệt, độ bọt, độ đắng phải luôn ở một mức độ nhất định bằng hóa chất mua sẵn, để tăng độ sệt thì cho vào đó một ít keo chống thấm trong xây dựng. Dù hóa chất cho vào cà phê “bẩn” với tỉ lệ rất nhỏ nhưng nếu cứ vào cơ thể lâu ngày thì sẽ tổn hại sức khỏe, thậm chí gây ung thư” - anh Đ. cho biết.

Theo chỉ dẫn của anh Đ., chiều 12/9, chúng tôi đến một số cửa hàng chuyên cung cấp các loại hóa chất để chế biến cà phê tại Buôn Ma Thuột.

Theo người bán tại một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu, loại tạo sệt có giá 95.000 đồng/kg, loại tạo đắng có giá 190.000 đồng/kg. Hai loại chất này rất mịn, loại tạo sệt có màu đen, loại tạo đắng có màu vàng đậm, đựng trong túi ni-lông không nhãn mác.

Cũng theo người bán hàng, 2 loại chất này có thể dùng trong quá trình chế biến cà phê hoặc cho vào cà phê đã pha với hàm lượng rất nhỏ để tạo độ đắng và độ sệt.

Theo chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở tỉnh Đắk Lắk, hiện sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu chứ không cạnh tranh nổi trong thị trường nội địa. Nguyên nhân là sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp có hàm lượng cà phê khoảng 80% nên giá bán cao hơn, không đắng và sệt so với các loại cà phê mà các quán thường dùng.
 

“Không cà phê” thì chuyển cơ quan điều tra

Theo ông Trần Ngọc Thanh, hiện đơn vị đang nóng lòng chờ kết quả kiểm định thành phần của sản phẩm cà phê Nhất Thiên từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Nếu đúng là cơ sở này chế biến cà phê giả, không có thành phần cà phê thì sẽ bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý. “Chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo, thông báo rộng rãi vì ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, không thể để toàn bộ cà phê của tỉnh bị ảnh hưởng” - ông Thanh nói.

 
Theo Cao Nguyên
Người Lao Động
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm