Hà Nam:

Cả làng hoang mang, bức xúc vì quảng cáo "mua lợn ốm"

(Dân trí) - Đang chăn nuôi thuận lợi, yên ổn, bỗng dưng người dân thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, hoang mang, bức xúc trước dòng chữ "quảng cáo" viết tay với nội dung “Mua lợn ốm” trên các tường rào từ đầu thôn vào đến cuối thôn.

Theo phản ánh của người dân thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, thời gian gần đây người chăn nuôi lợn rất hoang mang và lo lắng trước việc những dòng chữ “Mua lợn ốm” nổi lên khắp nơi trong thôn. Từ đầu thôn đến cuối thôn, các tường rào của nhà dân hầu hết bị biến thành tường “quảng cáo” “Mua lợn ốm” và cả số điện thoại bên dưới nổi lên khắp nơi.

Người dân thôn Thượng vô cùng hoang mang, bức xúc trước quảng cáo mua lợn ốm 

Thôn Thượng vốn là làng nghề nấu rượu chăn nuôi lớn nhất trong xã Tiên Ngoại cũng như các vùng lân cận. Làng có 190 hộ thì có đến 180 hộ chăn nuôi lợn, hộ nào nuôi ít cũng phải vài chục con, hộ nhiều lên tới ngót tới cả trăm con. Hiện cả thôn Thượng có gần 400 lợn nái đẻ, đàn lợn thịt cũng cỡ từ 3 đến 4.000 con. Trong khi việc chăn nuôi của bà con nơi đây vẫn thuận lợi, thì đùng một cái, các “biển quảng cáo” mua lợn ốm mọc lên nhan nhản khắp cả làng.

Ông Nguyễn Văn Toán, một người chăn nuôi lợn trong thôn bức xúc cho biết: “Ai đời, cả làng tôi đang chăn nuôi thuận lợi, yên ổn… Không có lợn ốm, lợn dịch, thế mà đùng một cái khắp trong thôn nổi lên cái dòng chữ “Mua lợn ốm” khắp nơi. Viết thế không khác gì nói trong thôn chúng tôi nhiều lợn ốm, lợn dịch lắm à?. Nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bà con…”.

Các tường rào từ đầu thôn vào đến cuối thôn đều biến thành biển quảng cáo
Các tường rào từ đầu thôn vào đến cuối thôn đều biến thành biển "quảng cáo"

Theo người dân trong thôn, từ trước đến nay khi có nhu cầu xuất lợn, các hộ chăn nuôi lợn trong thôn đều gọi nhóm lái buôn ở thôn Hòa Trung, xã Tiên Nội sang xuất từng đàn, chứ ít khi bán ra ngoài.

Ông Hùng người dân thôn Thượng cho biết: “Thôn chúng tôi nuôi lợn có tiếng của vùng, mối buôn bán cũng chỉ có một, họ cũng rất tin tưởng chúng tôi. Nếu có bán lợn ốm thì sẽ mất mối làm ăn ngay. Mà cũng chỉ vì mấy dòng chữ vô duyên này mà chúng tôi khổ sở giải thích. Nhiều người họ lại bảo “Ở đây nhiều lợn ốm thế à? Sao mà nhiều nơi ghi thu mua lợn ốm thế”. Đến khổ!”.

Điều làm người dân thôn Thượng bức xúc nữa là uy tín của người chăn nuôi, họ không biết người thu mua lợn ốm để làm gì?. Trong khi nếu trong thôn có lợn ốm việc đầu tiên của người dân là báo cho cán bộ thú y xã tìm phương án xử lý. Nếu bán ra ngoài để tuồn ra thị trường thì ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của bà con chăn nuôi.

Chính quyền địa phương đã cho xóa và tuyên truyền ổn định tâm lý người chăn nuôi
Chính quyền địa phương đã cho xóa và tuyên truyền ổn định tâm lý người chăn nuôi
Chính quyền địa phương đã cho xóa và tuyên truyền ổn định tâm lý người chăn nuôi

Ở làng chăn nuôi lợn một năm xuất chuồng cả vạn tấn, tự nhiên biển quảng cáo trên mọc lên khắp nơi. “biển quảng cáo” trên không phải là giúp bà con chăn nuôi “vớt vát” việc kinh doanh mà làm hại bà con chăn nuôi nhiều hơn. Hơn nữa, việc thu mua lợn ốm là việc cấm và vi phạm pháp luật, tuy nhiên với lợi nhuận “siêu khủng” nhiều cá nhân, cơ sở vẫn bất chấp để kinh doanh.

Trước việc xuất hiện các biển “quảng cáo” vô duyên trên, người dân thôn Thượng một mặt thì tẩy xóa các dòng chữ, một mặt tìm hiểu xem ai là người đã “bày trò” trên khiến cả thôn bức xúc. Người dân đã tiến hành “mật phục” hòng bắt được kẻ “vẽ trò” trên nhưng không thấy đối tượng hành động.

Thấy phía dưới dòng chữ “Mua lợn ốm” có ghi lại số điện thoại, người dân đã liên hệ và hẹn đối tượng này đến thôn để “bán lợn ốm”. Nhưng sau đấy đối tượng này đã không đến, gọi điện liên hệ lại vẫn có chuông, nhưng không bắt máy.

Ông Nguyễn Đức Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại
Ông Nguyễn Đức Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Phong, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Ngoại cho biết: “Cả thôn Thượng gần như là chăn nuôi lợn, nên sau khi xuất hiện tình trạng trên, người dân trong thôn vô cùng bức xúc, những dòng chữ trên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, điều kiện chăn nuôi của bà con. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã giao cho Công an xã làm rõ. Hiện nay, chúng tôi đã cho xóa bỏ toàn bộ các dòng chữ trên hàng rào của nhà dân. Đồng thời liên hệ với số điện thoại để lại dưới các dòng chữ, tuy nhiên đối tượng này không nhấc máy. Xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện và trạm thú y huyện Duy Tiên. Đồng thời, Chi cục thú Y tỉnh Hà Nam cũng đã trực tiếp về địa bàn xã kiểm tra và xác minh”.

Cũng theo ông Phong cho biết, hiện nay cũng đã xác minh được đối tượng viết chữ “Mua lợn ốm” trên địa bàn thôn Thượng, đối tượng tên Hà, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Đức Văn
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”