Buông ngành ôtô Việt là nuôi sống, tạo việc làm cho người Thái?

(Dân trí) - Càng gần đến thời điểm 2018, yêu cầu mở rộng điều kiện nhập khẩu xe đã được đặt ra. Nhưng mặt khác, việc thả hoàn toàn điều kiện nhập xe ôtô có thể biến Việt Nam sẽ lại gây ra bất cập khác là khiến Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ các dòng xe được sản xuất, lắp ráp xe từ Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc nuôi sống các hãng xe, tạo ra việc làm cho người Thái.


Việc mở rộng điều kiện nhập khẩu xe chắc chắn khiến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước khó khăn hơn

Việc mở rộng điều kiện nhập khẩu xe chắc chắn khiến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước khó khăn hơn

Thị trường xe trong nước sẽ chỉ còn một số doanh nghiệp chi phối?

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải bàn về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bản sửa đổi mới nhất đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ôtô nước ngoài, chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu và thay mặt nhà sản xuất triệu hồi ôtô bị lỗi kỹ thuật.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng việc các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có sự chấp thuận của nhà sản xuất ở nước ngoài mới được phép nhập khẩu, như vậy, gián tiếp trao cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Việt Nam cho người nước ngoài quyết định.

"Thị trường ôtô sẽ chỉ còn tồn tại một số doanh nghiệp lớn chi phối, dẫn tới người tiêu dùng có thể phải mua xe với giá cao hơn”, văn bản nêu.

Theo Cục Đăng kiểm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay vì giấy xác nhận trên, cơ quan quản lý có thể quy định tăng chế tài xử phạt, đình chỉ nhập khẩu đối với nhãn hiệu xe vi phạm, nếu doanh nghiệp vi phạm quy định về triệu hồi xe.

Dự thảo Nghị định yêu cầu các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải có sự xác nhận hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh kiện của nhà sản xuất xe. Yêu cầu có phần mềm thiết bị chẩn đoán được cung cấp bởi nhà sản xuất xe ôtô.

Cục Đăng kiểm cho biết, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không chính hãng sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này dẫn tới tiêu dung bị hạn chế lựa chọn, chịu mức giá cao hơn.

Vẫn còn tranh cãi về "giấy uỷ quyền"

Sau khi phát đi thông tin, quan điểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam gặp phải khá nhiều thông tin trái nhiều. Quy định nhập khẩu xe cần có uỷ quyền của nhà sản xuất là nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất nước ngoài không “đem con bỏ chợ” khi xe có sự cố. Nếu không có sự đảm bảo bằng hình thức ủy quyền này, khi có lỗi hỏng hóc, cháy nổ các doanh nghiệp Việt có nguy cơ không xử lý nổi và người tiêu dùng bị thiệt hại nghiêm trọng.


Đặt điều kiện cao đối với ôtô nhập khẩu không phải là triệt tiêu cạnh tranh

Đặt điều kiện cao đối với ôtô nhập khẩu không phải là triệt tiêu cạnh tranh

Trao đổi với một vị chuyên gia trong ngành ôtô, giấy uỷ quyền của nhà sản xuất xe không phải là trao quyền điều hành kinh tế cho nước ngoài mà nên được hiểu là khi được uỷ quyền nhập khẩu tức là quyền lợi sẽ cao nhất so với các hãng nhập xe trôi nổi, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Vị chuyên gia nhấn mạnh việc đặt điều kiện cao đối với ôtô nhập khẩu không phải là triệt tiêu cạnh tranh mà chính là nâng cao năng lực cạnh tranh, muốn kinh doanh doanh nghiệp phải có năng lực, điều kiện càng cao, quyền lợi người tiêu dùng càng đảm bảo. Cũng giống như doanh nghiệp có 30 tỷ cũng có thể lập hãng hàng không được. Ở đây không phải là cấm mà là doanh nghiệp nào đáp ứng điều kiện thì tham gia thị trường.

“Chúng ta vẫn luôn than công nghiệp Việt Nam không có anh cả. Thực tế một ngành công nghiệp nào muốn thành công cũng phải nhóm doanh nghiệp lớn, đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, làm chủ thị trường,dẫn dắt các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị sản xuất của ngành. Mặt khác, chính nhóm doanh nghiệp lớn này sẽ cạnh tranh với nhau để hạ giá bán. Khi nào trên thị trường còn duy nhất một doanh nghiệp thì mới xảy ra độc quyền, còn nếu có từ 2 trở lên là có cạnh tranh. Nếu Toyota không giảm giá, thì người tiêu dùng sẽ chọn xe Kia, Hyundai đi”, vị này nói.

Trên thị trường vận tải, Uber, Grab cũng đang “đại chiến” với các hãng taxi truyền thống là Mai Linh, Vinasun, cũng chỉ vài doanh nghiệp lớn đua giảm giá, người được hưởng lợi chính là người tiêu dùng.

Quan điểm của Cục Đăng kiểm được cho là đi ngược với tinh thần phát triển công nghiệp ngành ôtô của Chính phủ, Bộ Công Thương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiều lần nói về ngành ôtô đã khẳng định đất nước quy mô 100 triệu dân không thể mở cửa thị trường, biến Việt Nam trở thành bãi rác nhập xe của khu vực và thế giới. Chính vì vậy, các chính sách trong nước lúc này cần phải hướng đến việc xây dựng hàng rào, bảo vệ thị trường, đầu tư bài bản cho ngành, tạo ra các doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt sản xuất, nội địa hoá và làm chủ thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Việc phát triển ngành công nghiệp ôtô bài bản có ý nghĩa quan trọng trong phát triển công nghiệp cả nước hiện tại và tương lai, giúp giải quyết công ăn việc làm, thu nhập người dân và thu ngân sách quốc gia bền vững.

Việc “thả lỏng điều kiện” cho xe ôtô nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam khiến Việt Nam có thể khiến ngành công nghiệp này thất bại, hàng triệu người mất việc làm. Minh chứng là doanh thu và lợi nhuận của Toyota, Honda giảm sút vừa qua khiến cho ngân sách quốc gia thất thu, hàng triệu người có nguy cơ mất việc làm.

Ông Hoàng Văn Nội, Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Phúc cho biết, thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 11.600 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ do số thu từ doanh nghiệp FDI giảm tới 19% chỉ đạt 9.700 tỷ đồng. Vĩnh Phúc là trụ sở của Toyota và Hodna.

Nếu không có chính sách kịp thời cho ngành ôtô , có thể các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước. Như vậy, vô hình chung sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường nuôi sống cho các hãng xe, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động Thái Lan.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhiều lần trao đổi với báo giới đã nhấn mạnh các nước như Thái Lan đang chuẩn bị rất kỹ càng cho mốc 2018, bằng việc đi học tiếng Việt, tìm hiểu thị trường để đưa hàng hoá Thái tiêu thụ tại Việt Nam.

Ông Doanh nhấn mạnh nếu không giữ được “miếng bánh” thị trường, Việt Nam có thể trở thành “sân nhà” của Thái, khi đó thị trường Việt sẽ tiêu thụ và đem lợi nhuận cho doanh nghiệp Thái Lan. Đằng sau doanh nghiệp là hàng triệu việc làm, thu nhập cho người Thái.

Đặc biệt, thị trường hiện nay có hàng chục thương hiệu ôtô quốc tế hiện diện. ở thị phần phổ thông có Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Nissan, Mazda, Hyundai, Kia, GM, Ford, Peugeot…, Ở phân khúc cấp hơn có Lexus, Audi, BMW, Mercedes, Volkswagen, Land Rover, Jaguar... Xe hạng cao cấp hơn cũng có Posrche, Maybach, Maserati…. mỗi thương hiệu lại có từ 10 đến khoảng 50 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Thị trường cũng chứng kiến nhờ có nhiều thương hiệu ô tô hiện diện, cuộc đua giảm giá “xuống đáy”, người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.

Anh Thư