1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Buôn lậu thuốc lá: Siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy

Trong khi đó công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá; những quy định pháp lý để xử lý vấn nạn này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập,...

Ban Chỉ đạo 389 Gia Lai vừa tổ chức tiêu hủy gần 85.000 bao thuốc lá nhập lậu.
Ban Chỉ đạo 389 Gia Lai vừa tổ chức tiêu hủy gần 85.000 bao thuốc lá nhập lậu.

Khẳng định Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 là diễn đàn hết sức quan trọng và thiết thực mà cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hằng năm đều mong chờ, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho hay, trong Hội nghị này, Hiệp hội sẽ kiến nghị lãnh đạo Chính phủ các biện pháp căn cơ để đấu tranh ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh.

Theo Hiệp hội, sản xuất kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ theo Luật Phòng chống tác hại của Thuốc lá, Nghị định 67/2013/NĐ-CP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới... Trong nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng triệu lao động, hằng năm nộp ngân sách trên 18.000 tỷ đồng...

Trong khi sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước được quản lý theo các quy định nghiêm ngặt thì thuốc lá lậu lại có nhiều “lợi thế” để phát triển. Trong nhiều năm qua thuốc lá lậu luôn là điểm nóng và là một vấn nạn chưa được xử lý triệt để. Chỉ tính trong năm 2013, 2014, lượng thuốc lá lậu ước tính lên tới 1 tỷ bao, gây thất thu thuế gần 10.000 tỷ đồng/năm.

Nguyên nhân là do trong các mặt hàng buôn lậu thì thuốc lá có sức hấp dẫn nhất. Mặt hàng này gọn nhẹ, dễ vận chuyển, mức chênh lệch lại cao gấp 4,5 lần do không phải chịu các loại thuế (tiêu thụ đặc biệt 70%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế xuất nhập khẩu 135%...). Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.

Về công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

HIệp hội cho rằng, đây là chủ trương sáng suốt, kịp thời, hiệu quả và đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong công tác phòng chống thuốc lá lậu. Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, cùng với chính sách tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, trong năm 2015 lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, nộp ngân sách ngành thuốc lá tăng gần 1000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ năm 2016 đến nay, thuốc lá lậu sau một thời gian lắng dịu đã tiếp tục gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp. Điển hình là vụ việc, ngày 15/9/2016, tại Long An, các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã đánh chết cán bộ quản lý thị trường để cướp lại tang vật. Việc triển khai Chỉ thị 30 đã có dấu hiệu "buông lỏng", nhất là tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá. Hiện đang còn hàng trăm vụ xử lý hình sự phải “nằm chờ” vì vướng luật không xử được.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng, việc thực hiện thí điểm giải pháp xử lý tang vật thuốc lá lậu theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất cũng gặp nhiều bất cập, hệ lụy.

Cụ thể là, nếu thực hiện đấu giá để tiêu thụ nội địa sẽ tạo kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa thuốc lá nhập lậu thành thuốc lá hợp pháp để tiêu thụ nội địa, gây lũng đoạn thị trường, đồng thời làm tăng nguy cơ mất kiểm soát.

Còn nếu tái xuất, do đa phần thuốc lá nhập lậu (Vd, thuốc lá JET, HERO hiện chiếm 80-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực, chỉ được người hút Việt Nam biết đến và thực tế chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Hơn nữa do không in cảnh báo sức khỏe, nơi sản xuất, hạn sử dụng và không xác nhận được chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này sẽ không đáp ứng các điều kiện để được nhập khẩu vào quốc gia khác sẽ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, dẫn đến vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.

Thực tế đã có chuyện lực lượng chức năng Quảng Trị đánh dấu một lô thuốc lá cho tái xuất, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, lô thuốc này lại được thẩm lậu ngược vào thị trường Việt Nam - Hiệp hội dẫn chứng.

Theo đó, để ngăn chặn hiệu quả thuốc lá nhập lậu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị: Thuốc lá lậu phải được tiêu hủy 100%, không đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Hiệp hội sẽ hỗ trợ 4500 đồng/bao cho công tác bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất các quy định pháp lý về xử lý thuốc lá nhập lậu tại: Bộ Luật Hình sự, Luật Đầu tư, Công văn số 06 ngày 6/1/2016 của TANDTC theo hướng sẽ xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá theo số lượng bao thuốc bị bắt giữ (1500 bao trở lên).

Đồng thời Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sử Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc Quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích 50% Quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Theo Báo điện tử Chính phủ