Buôn khống cổ phiếu OTC: Chết có ngày!
Vụ vỡ nợ 30 tỉ đồng của một người buôn bán cổ phiếu OTC mới đây vẫn còn dư chấn đối với dân chơi chứng khoán trên thị trường phi tập trung, tiếp tục báo động những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình giao dịch này.
Ăn, ngủ tại “chợ” OTC
Nói đến “chợ” OTC ở TPHCM, những người chơi cổ phiếu nghĩ ngay đến phố chứng khoán Nguyễn Công Trứ, quận 1. Ở khu vực đó, phải kể đến sàn OTC của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đông Dương (DDS). Tại đây luôn có khoảng 50 - 60 người thường xuyên bám trụ, thậm chí ăn, ngủ tại sàn.
12 giờ 30 phút ngày 23/4, ghé qua sàn DDS, tại khu vực dành riêng cho sàn OTC, cảnh giao dịch diễn ra khá xôm tụ. Người thì mở laptop, lướt web để cập nhật thông tin, người ngã giá qua điện thoại rất rôm rả.
“Chuyển 20.000 MB (mã cổ phiếu Ngân hàng Quân đội - PV) giá 18 nhé! Cọc bao nhiêu? Khi nào chuyển tiền?...” - một phụ nữ nói oang oang qua điện thoại.
Hầu hết những người ở đây đều mang theo ít nhất một chiếc điện thoại di động, máy tính bỏ túi, sổ ghi chép. Theo quan sát của chúng tôi, đa số những giao dịch tại đây đều là mua bán miệng, khi bên mua chịu giá, bên bán sang tay ngay để hưởng chênh lệch và cứ thế xoay vòng.
Khi hỏi về việc bà H. (ở Hà Nội, người vừa vỡ nợ 30 tỉ đồng) có làm ăn với những người tại “chợ” này, anh T., một người mua bán cổ phiếu OTC có tiếng ở đây, cho biết bà H. thua lỗ là do “đánh xuống” cổ phiếu MB. Sau khi bán khống trước 2 tuần một lượng cổ phiếu MB với giá nào đó, không ngờ giá MB liên tục tăng nên đến ngày giao hàng, bà H. phải bù lỗ.
Cứ vậy, bà H. tiếp tục “đánh xuống”, trong khi TTCK gần đây lên khá đều. Khi giá lên, bà H. còn vay mượn cổ phiếu của người này để giao cho người kia; đến khi phải trả cổ phiếu, giá cổ phiếu đó lại tăng lên nữa khiến bà H. bị thiệt kép. Anh T. cho biết những người trong nhóm đã đồng ý cho bà H. trả nợ dần.
Ông Lâm Minh Chánh, Tổng Giám đốc DDS, cho rằng những nhà đầu tư này giao dịch tự do với nhau, không thông qua công ty nên công ty không thể can thiệp. Cũng vì giao dịch chủ yếu dựa vào lòng tin nên khi có sự cố thì những người bị thiệt hại không được các quy định pháp lý bảo vệ hay giúp đòi lại quyền lợi.
Công ty chứng khoán cũng buôn khống
Một người làm quản lý trong lĩnh vực chứng khoán tại TPHCM tiết lộ một số công ty chứng khoán cũng bán khống cổ phiếu để hưởng chênh lệch.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng đối với những người môi giới OTC, khi giao dịch thành công thì họ hưởng chênh lệch nhưng nếu không thành, họ phải “ôm” nên rủi ro rất cao.
Nguyên nhân làm cho thị trường OTC ngày càng biến tướng là do lợi thế về thời gian giao dịch, có thể mua ngay, bán ngay; trong khi thị trường niêm yết phải là T+3 (nhưng thực chất là T+4).
Cũng theo ông Lê Đạt Chí, việc mua khống cổ phiếu trên thị trường OTC thực tế là hợp đồng mua giao sau hàng hóa cơ sở. Dạng này xảy ra thường xuyên trên TTCK nhưng trong pháp luật hiện hành chưa cho phép.
Vì vẫn còn dựa vào niềm tin là chủ yếu nên khi lòng tham nổi lên, hoạt động mua bán khống trở thành rủi ro cho bất cứ ai tham gia giao dịch OTC.
Theo Sơn Nhung
Báo Người lao động