Buôn đất quê, lãi… “quả đắng”!
Những người “săn” đất quê những tháng trước Tết đã phải “ngậm quả đắng” khi quả bóng chưa kịp căng đã bị vỡ. Những người “săn” đất quê những tháng trước Tết đã phải “ngậm quả đắng” khi quả bóng chưa kịp căng đã bị vỡ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Đất quê được giao bán nhộn nhịp sau Tết ở 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, những địa phương có nhiều người dân đi xuất khẩu lao động… Đơn cử, đất ven Quốc lộ 47, đoạn từ chợ huyện Đông Sơn lên sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) trước Tết có giá từ 3 - 10 triệu đồng/m2, thì sau Tết, chỉ được giao bán với giá 1,5 - 7 triệu đồng/m2.
“Sau 4 năm lăn lộn làm ăn ở Đắck Lắck, tôi giành dụm mua được căn nhà 750 triệu đồng gần chợ huyện. Tính để năm nay về quê làm ăn, nhưng nhìn đi, nhìn lại, làm ăn ở quê không dễ, nên phải trở lại Đắck Lắck. Để có tiền chung với anh em mua mấy héc-ta cà phê, tôi buộc bán “đổ” căn nhà với giá 390 triệu đồng. Lỗ đau, nhưng biết làm sao được…”, anh Hồng, một người dân ở huyện Đông Sơn tâm sự.
Tâm lý muốn về quê sinh sống và phải có “mảnh đất cắm dùi” ở quê của nhiều người đi làm ăn xa khiến những mảnh đất có “vị trí đẹp” ở các xã, huyện bị đẩy giá lên cao, nhất là những tháng giáp Tết. Tuy nhiên, ở những vùng quê, nguồn tài chính của người dân không nhiều để có thể kéo dài cơn sốt đất như ở các thành phố lớn. Ngoài ra, vì nhiều lý do, nên số người muốn bán nhà, đất ở các vùng quê tăng lên sau Tết.
Ông Lê Công Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Đông Anh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đất giao bán nhiều ở địa phương này những ngày sau Tết đa số là của những gia đình có người đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa gửi tiền về mua đất đầu tư trước Tết, hoặc của vài gia đình bán nhà theo con cái lập nghiệp nơi khác. Giá chào bán hiện thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước Tết.
Anh Sơn, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh sắt thép, xi măng tại Thanh Hóa vừa mua hơn 1.500 m2 đất có 36 m2 giáp mặt đường tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) với giá 2,2 tỷ đồng, cho biết, thời điểm trước Tết, mảnh đất này được tính đến gần 4 tỷ đồng nếu cắt ra bán chia lô. Giờ thì không thể bán được, bởi ở quê, lấy ai ra có vài tỷ để mua, ngoại trừ các doanh nghiệp. Với mảnh đất vừa mua được này, anh Sơn tính xây kho bãi chứa hàng, tính ra có lợi hơn nhiều so với đi thuê mặt bằng.
Lý giải việc giá đất ở quê nhanh chóng giảm nhiệt, chị Hương (Thanh Hóa), một lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc cho biết, những công nhân đi xuất khẩu lao động, phải làm từ 1,5 - 2 năm mới đủ tiền trả nợ trước khi đi. Từ năm thứ 2 trở đi mới tính đến chuyện tích cóp. Tuy nhiên, một số người vì thấy thu nhập khi làm ở ngoài gấp 2 lần khi làm cho công ty, nên đã trốn ra ngoài. Những người này chỉ cần làm khoảng 1 năm là đã có đủ tiền để trở nợ và tích cóp, họ gửi về để gia đình mua đất, vừa để đầu tư, vừa để dành khi về quê có mảnh đất làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, vừa rồi, quản lý siết chặt, nên một số bị bắt, ngoài việc bị trục xuất, họ phải bồi thường, nên buộc gia đình phải bán tài sản để bồi thường, khiến đất ở quê lên, xuống nhanh chóng.
Không giống Thanh Hóa, Nghệ An thuận lợi hơn cho việc giao thương, nên đất ở các thị trấn như Hoàng Mai, Diễn Châu, hay thị xã Thái Hòa thường được chọn làm “bến đỗ” của dân làm ăn trong tỉnh, nên giá đất được giữ khá ổn định.
Đánh giá về tình trạng bong bóng nhanh xì hơi của bất động sản vùng quê, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam ở đâu cũng vậy, dù là ở thành phố lớn, vốn khá phát triển và hoàn thiện về tính thị trường, hay vùng quê vốn yên ắng, thì đều mang nặng tính “ăn theo”. Vì vậy, chúng đều có điểm chung là đã sốt ảo, thì có ngày phải trở về với nhu cầu thực, còn vấn đề thời gian dài hay ngắn là do từng địa bàn.