Bước lên chuyến tàu WTO
Con đường dẫn từ Hà Nội tới Geneva - nơi WTO đóng đô, đi máy bay chưa mất một ngày. Thế nhưng, VN đã đi hơn 10 năm - một quãng thời gian đủ dài để nhìn lại mình, để bước tiếp tự tin hơn. Ông Ngô Quang Xuân, đại sứ VN tại WTO cho biết:
Sau khi gia nhập, VN tiếp tục cần một đội ngũ đàm phán thật mạnh để tích cực đóng góp vào các vòng đàm phán trong khuôn khổ của WTO.
Các cuộc đàm phán này còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với quá trình đàm phán để gia nhập, bởi đây là cuộc chiến tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế cho hàng hóa VN ở từng ngành hàng, từng lĩnh vực cụ thể. Nên ngoài sự cần thiết phải tự bươn chải để bảo vệ mình sao cho ít bị thua thiệt, VN sẽ cần phải hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung lợi ích để cất tiếng nói trong WTO.
Tuy nhiên, không phải cứ đàm phán thành công là hàng hóa VN sẽ tự tìm được chỗ đứng. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Hiểu rõ thế mạnh - yếu của các đối tác sẽ xâm nhập thị trường VN, tìm hiểu kỹ đặc thù của các thị trường mình muốn vươn tới và tập trung ưu tiên để xây dựng những thương hiệu mạnh là những yêu cầu khẩn cấp trước mắt.
Lần tôi về thăm quê gần đây, một bác nông dân vừa làm việc ở ngoài đồng về khi gặp tôi đã hỏi: “Chuyện vào vê-đúp-tê-ô (WTO) thế nào rồi hả chú? Liệu có gặp khó khăn gì nữa không?”.
Tôi xúc động thầm nghĩ nông dân luôn đầu tắt mặt tối, vất vả làm ăn quanh năm còn quan tâm tới WTO như vậy, những nhà quản lý, nhà đàm phán, các nhà hoạch định chính sách… phải thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập ngày 1/1/1995 với tiền thân là GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, ra đời năm 1948). Đây là nơi đề ra những quy định điều tiết hoạt động thương mại giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Số thành viên hiện nay là 149 nước. Đến nay, VN đã trải qua 10 vòng đàm phán đa phương và kết thúc đàm phán song phương với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của WTO. |
Theo VnExpress/Tuổi trẻ