“Bước đường cùng” của sàn vàng là không tồn tại
(Dân trí) - “2 phương án quản lý sàn vàng mà NHNN đề xuất không khả thi và có thể đưa các sàn vàng vào bước đường cùng là không tồn tại. Nếu có thể nên đưa ra phương án 3 gộp chung quản lý như giao dịch chứng khoán và có cơ chế quản lý chặt chẽ”.
Đầu tư vàng lợi nhuận lớn nhưng luôn đi kèm rủi ro (ảnh minh họa: Quý Đoàn).
Ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Vàng Vi Na có cuộc trao đổi với Dân trí về nhu cầu đầu tư trên sàn vàng và những bất cập hiện nay.
Năm 2009, nhu cầu đầu tư vàng trên sàn tăng cao do tính hấp dẫn của giá vàng. Ông đánh giá như thế nào về đầu tư vàng trên sàn của các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay?
Nhu cầu đầu tư trên sàn vàng hiện nay còn cao nhưng do có nhiều sàn và trung tâm giao dịch vàng được mở ra trong suốt hơn 1 năm qua khiến thị trường loãng.
Lượng nhà đầu tư (NĐT) không còn tập trung tại các sàn lớn mà được chia nhỏ. Vậy nên các sàn vàng thu hút NĐT nhằm tăng tính thanh khoản cho mình bằng cách điều chỉnh giá luôn ưu tiên theo vàng thế giới.
Nhu cầu đầu tư trên sàn vàng sẽ vẫn giữ ở mức cao vào năm 2010 khi triển vọng hồi phục kinh tế Việt Nam chưa thực sự vững.
Với lợi nhuận khá cao (khả năng sinh lợi gấp 14 lần), việc đầu tư vàng trên sàn sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ông đánh giá thế nào về độ rủi ro khi đầu tư vàng trên sàn?
Đầu tư trên sàn vàng sẽ có độ rủi ro nhất định, tuy nhiên ở đây là rủi ro chung trong vấn đề đầu tư chênh lệch tỷ giá mà ai tham gia thị trường này cũng hiểu và đã chấp nhận khi tham gia thị trường này.
Việc hạn chế những rủi ro này phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh của NĐT hơn là ảnh hưởng của thị trường. Nhưng theo tôi đánh giá, việc đầu tư trên sàn ở Việt Nam còn có những rủi ro khác theo sau đó.
Điển hình như, do tính thanh khoản không cao như các sàn thế giới, việc làm giá của những “ông lớn” là không tránh khỏi. Quy chế và công tác quản lý sàn chưa có những văn bản pháp luật chặt chẽ khiến NĐT không biết kêu ai nếu xảy ra các sự cố của sàn…
Ông Nguyễn Trung Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Vàng Vi Na.
Ông đánh giá như thế nào về 2 phương án quản lý sàn vàng mà Ngân hàng Nhà Nước vừa đề xuất?
2 phương án quản lý sàn vàng của Nhà nước đưa ra cũng nhằm bình ổn thị trường vàng giao dịch qua sàn, cũng một phần nhằm hạn chế thiệt hại cho nhà đầu tư, tạo tính cạnh tranh công bằng cho các chủ sàn.
Nhưng hai phương án trên làm mất tính hấp dẫn của sàn vàng so với những kênh đầu tư đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ bởi mức sinh lợi cao và thanh khoản tốt.
2 phương án này không được khả thi và có thể đưa các sàn vàng vào bước đường cùng là không tồn tại. Nếu có thể nên đưa ra phương án 3 là gộp chung quản lý như giao dịch chứng khoán và có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Việc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100% có làm mất đi tính hấp dẫn của sàn vàng, một kênh đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, có khả năng sinh lợi cao?
Thực tế, kênh đầu tư vàng thu hút dòng vốn đầu tư trong nền kinh tế chủ yếu là do đòn bẩy tài chính trên sàn vàng khá cao. Tất nhiên, đòn bẩy tài chính là con dao 2 lưỡi.
Nếu như đòn bẩy có thể mang lại tỷ lệ lợi nhuận cho nhà đầu tư bao nhiêu thì cũng sẽ mang lại bấy nhiêu rủi ro. Tuy nhiên, với việc nâng ký quỹ lên đến 100% như phương án của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
- Xin cám ơn ông!
An Hạ