Bùng nổ mua sắm online thời Covid-19, doanh nghiệp Việt nhanh chóng "chớp" thời cơ
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và là "cú hích" thổi bùng nhu cầu mua sắm online. Ưu thế sẽ thuộc về doanh nghiệp có tiềm lực nắm bắt cơ hội nhanh nhất.
Hiện nay, hơn 1/3 dân số Việt Nam, tức khoảng 45 triệu người tham gia mua sắm online. Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với doanh số khoảng 35 tỷ USD. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi nếu có được sự hỗ trợ của Chính phủ, cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp.
Một khảo sát Nielsen đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020 cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm online tại Việt Nam tăng lên 25%, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.
"Cú hích" làm bùng nổ mua sắm online
Cũng theo Nielsen, có đến 55% người tiêu dùng mua sắm online ở độ tuổi 18-29, trong đó 63% là phụ nữ, 65% là nhân viên văn phòng, 70% có thu nhập cao. Trong đó, có 55% thực hiện mua sắm qua các ứng dụng di động. Tuy nhiên, tần suất mua hàng online tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ khoảng 1,6 lần/tháng. Nếu so sánh con số này với kênh siêu thị là hơn 3 lần/tháng, kênh truyền thống hơn 7 lần/tháng thì thấy tiềm năng của online đang rất rộng mở.
Bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam đánh giá, mua sắm online có tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm và còn nhiều khả năng phát triển hơn nữa ở Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xu hướng bán lẻ hiện đại. Cơ hội kinh doanh online phát triển nhanh khi người dân chọn mua sắm tại nhà.
Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam, Lào và Campuchia của Google cho rằng, Việt Nam bùng nổ kinh tế số những năm gần đây với tổng giá trị hàng hóa gần 12 tỷ USD trong năm 2019, dự đoán tăng lên đến 43 tỷ USD trong 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thương mại điện tử.
Một khảo sát của Google được tung ra vào 9/2020 chỉ ra, Covid-19 sẽ làm thay đổi hành vi của người Việt Nam về lâu về dài. Theo đó, 67% người mua sắm trực tuyến hiện này sẽ tục hành vi này, 63% tiếp tục duy trì đặt thức ăn trên mạng, đặc biệt 44% cho rằng sẽ không mua hàng bên ngoài khi mua được hàng trên mạng.
Tập trung phục vụ được nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, thương mại điện tử sẽ trở thành thói quen hằng ngày
"Trước khi Covid-19 diễn ra, những nhóm ngành như thời trang, chăm sóc cá nhân, ăn uống là những sản phẩm được khách hàng tìm mua. Covid-19 bùng bổ, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Do vậy, mua sắm thời trang, du lịch, ăn uống bên ngoài có sự sụt giảm rõ rệt. Tương quan với bức tranh trên, các nhà bán lẻ nên chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu trên môi trường online. Đây là sự chuyển dịch mà các doanh nghiệp bán hàng online cần phải nhìn thấy." - Bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam lưu ý.
Cùng quan điểm nêu trên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Masan Group, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này chỉ đang phục vụ cho các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hằng ngày của người tiêu dùng thì trước tiên cần tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu.
Ông Danny Le lấy dẫn chứng về mô hình của Walmart. Khởi đầu là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nhu yếu phẩm có lợi nhuận, Walmart đã lấn sân sang bán lẻ nhu yếu phẩm online và đứng vị trí số 1 trong mảng kinh doanh này. Theo thống kê của Emarketer, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ online của Walmart vào năm 2020 là 65,4% cao hơn cả Amazon (39,1%). Điều này càng ấn tượng hơn nữa khi Walmart mới chỉ chiếm 5,8% thị phần bán lẻ trực tuyến tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với 39% của Amazon. Không dừng lại ở đó, Walmart đã thực hiện bước đi tiếp theo: tích hợp các dịch vụ Fintech vào hệ thống bán lẻ của mình. Hơn 1 năm tiếp quản VinCommerce, Masan đã tìm ra mô hình bán lẻ có lợi nhuận. Quý 4/2020, VinCommerce đã có quý đầu tiên đạt lợi nhuận 16 tỷ đồng. Năm 2021, Masan tập trung thiết lập mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm tích hợp từ offline đến online, song song đó là cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ châm hàng tự động.