Bùng nổ hàng loạt thương vụ M&A lớn năm 2011

(Dân trí) - Trong năm 2010, tại Việt Nam có tới 345 thương vụ M&A được công bố với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,7 tỷ USD. Nhưng theo giới nghiên cứu thị trường, năm 2011 này mới là thời điểm bùng nổ của hàng loạt thương vụ lớn.

Bùng nổ hàng loạt thương vụ M&A lớn năm 2011 - 1
Họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam 2011.

Trong những năm gần đây, hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và trở thành một trong những kênh đầu tư đáng chú ý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo thống kê của Công ty PWC và bộ phận nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong năm 2010, tại Việt Nam có tới 345 thương vụ M&A được công bố với tổng giá trị giao dịch lên tới 1,7 tỷ USD, tăng 65% về giá trị so với năm 2009. Đây là mức giao dịch M&A có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam tính theo năm.
 
Đặc biệt, trong hơn 300 thương vụ năm 2010 có nhiều thương vụ rất đáng chú ý, có ý nghĩa và tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam như: FPT - EVN Telecom, Dược Viễn Đông - Dược Hà Tây, Tiết kiệm Bưu điện - Ngân hàng Liên Việt, Thiên Minh mua chuỗi khách xanh Victoria…

Ông Đặng Xuân Minh, Công ty Avalue Việt Nam, nhấn mạnh: Một xu hướng đáng được quan tâm trong những năm qua là công ty Việt Nam đóng vai trò là người đi mua. Trước đây, khi nói đến M&A hay nói đến đối tác chiến lược, người ta thường nghĩ ngay đến yếu tố nước ngoài, là những tổ chức tài chính có uy tín và kinh nghiệm hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những đặc trưng này gần đây không còn nữa khi “người mua” thuộc khối tư nhân Việt Nam đã và đang trỗi dậy trong những năm qua.

“Theo thống kê, số lượng các giao dịch doanh nghiệp Việt Nam mua lại doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch toàn thị trường. Với xu hướng này, tôi tin rằng hoạt động M&A năm 2011 tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Hoạt động M&A với tư cách là một phương thức kinh doanh, đầu tư phát triển của kinh tế thế giới, chính là một ví dụ điển hình cho xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam - xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa”, ông Minh nhấn mạnh.

Đánh giá về hoạt động M&A tại Việt Nam 2011 trong cuộc họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 vào sáng 18/5, đại diện của Eurocham cho hay, đây là thời điểm tốt nhất để nói về vấn đề M&A, bởi nó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và trở thành hoạt động phát triển vững chắc của các doanh nghiệp tư nhân.
 
Theo một nghiên cứu của tổ chức này, 17% doanh nghiệp tại Việt Nam có định hướng kế hoạch về M&A trong 3 năm tới. Và trong thời điểm 2011, hoạt động M&A sẽ bùng nổ ở 3 lĩnh vực: sản xuất, tài chính ngân hàng và hàng tiêu dùng nhanh.
 
Đại diện Công ty Chứng khoán Dầu khí cho hay, công ty này đang thu xếp M&A cho khoảng 20 doanh nghiệp.

Còn theo Luật sư Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm nay, với nhiều nhân tố thuận lợi. Đó là tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; môi trường pháp lý, môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn, minh bạch hơn sau 4 năm Việt Nam gia nhập WTO; những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó M&A là một trong những hoạt động chủ đạo…

Do đó, năm 2011 được nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực M&A đánh giá là thời điểm để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm và đưa ra hành động, cụ thể hóa chiến lược M&A của mình.
 
Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2011 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức vào ngày 9/6, tại TPHCM. Hội thảo sẽ xoay quanh các chủ đề như: Hoạt động M&A năm 2010 và xu hướng năm 2011; Phân tích các thương vụ M&A tiêu biểu trong từng ngành, lĩnh vực - các bài học thành công và thất bại; Chiến lược “hậu M&A” liên quan đến tái định vị, tái cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp…

Nguyễn Hiền