Bức bách phải xây sân bay Long Thành

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Người dân, giới chuyên môn và nhiều đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thay vì xây sân bay Long Thành?

 

Ông Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay, các phương án như mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất hay cải tạo sân bay Biên Hòa đều không khả thi vì phía quân đội khẳng định không thể kết hợp sân bay quân sự với dân sự. Vì vậy, việc sớm đầu tư sân bay Long Thành mới khắc phục được tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không, tăng trưởng kinh tế của khu vực. Đồng thời, mở ra thêm cơ hội phát triển kinh tế cho Đồng Nai và các khu vực lân cận.

 

Khi có sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất chỉ phục vụ các đường bay nội địa vì hiện nay, sân bay này đã chạm công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm và quá tải vào chiều tối và sáng sớm. Dự báo, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2017. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu hành khách/năm là không thể. Bởi lẽ, Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải về đường băng mà áp lực chính là nhà ga và hạ tầng kết nối giao thông đổ về sân bay đã chạm trần. Để làm thêm đường băng và nhà ga mới cho sân bay này sẽ phải giải tỏa khoảng 140.000 hộ dân, tiêu tốn 9,1 tỉ USD.

 

Xây dựng sân bay Long Thành đạt 2 mục tiêu: Sân bay tầm cỡ phục vụ cho quốc gia, kể cả quốc tế; từng bước thay thế, giải tỏa ách tắc, áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong tương lai, với vai trò và tốc độ phát triển của TP HCM, khu vực kinh tế động lực phía Nam, ở đây cần có sân bay công suất 100 triệu hành khách/năm. Từ nhu cầu này, Chính phủ đã lập quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành trước đây gần 20 năm.

 

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trong vài năm tới Ảnh: Thế dũng
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trong vài năm tới Ảnh: Thế dũng

 

Đã có nhiều lo ngại về nguồn vốn làm sân bay Long Thành, thưa ông?

 

Vốn tự có là ngân sách, cạnh đó là vốn vay ODA. Kinh nghiệm từ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trong mở rộng, xây mới nhà ga vừa qua cho thấy doanh nghiệp vay lại vốn ODA của Chính phủ vay, chứ không phải Chính phủ cấp thẳng. Sau đó, doanh nghiệp thay nhà nước trả nợ dần. Ngoài ra, sẽ xã hội hóa nguồn vốn như nhượng quyền khai thác một phần nhà ga.

 

Vốn vay sẽ ảnh hưởng đến nợ công và tác động xấu đến xã hội?

 

So với tổng nợ công, vốn đầu tư cho sân bay Long Thành chiếm tỉ lệ rất thấp. Tổng đầu tư cho hạ tầng giao thông đến năm 2020 cần đến 50 tỉ USD, trong đó phần lớn là vay. Riêng vốn cho đường cao tốc lớn hơn sân bay Long Thành rất nhiều do mới được hơn 600 km, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải có 2.500 km và đến năm 2030 là 6.000 km đường cao tốc.

 

Vốn vay nhiều sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công cũng như việc trả nợ sau này. Đây là cái lo lớn nhất, kế đến là việc giải tỏa một khu vực lớn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, cả 2 vấn đề đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phân tích thấu đáo và có phương án xử lý.

 

Do đó, giai đoạn đầu, Bộ GTVT đề xuất chỉ làm 1 đường băng. Đến khi kinh doanh có tiền mới đầu tư đường băng thứ hai. Vậy là có thêm vài năm để sắp xếp vốn.

 

Giải phóng mặt bằng thì khó tránh khỏi ảnh hưởng đến người dân. Để giảm thiểu ảnh hưởng, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất các khu tái định cư, đưa ra phương án tạo công ăn việc làm, phục hồi thu nhập cho những người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Sau khi được hỏi ý kiến đến từng hộ dân, 100% đã đồng tình.

 

 Sẽ trình tiếp đường sắt cao tốc Bắc Nam

 

Sáng 4/6, tại kỳ họp thứ 9 của QH, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

 

Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết ngay sau khi được QH thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, bộ sẽ tính toán để trình việc làm đường sắt cao tốc Bắc Nam bởi trong tương lai gần, rất cần một đường sắt đôi, tốc độ 200 km/giờ. Chậm nhất đến năm 2030 là phải có tuyến đường sắt này.

 

Theo Bảo Trân thực hiện

Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”