BP liệu có phá sản?
(Dân trí) - Tổng giá trị thị trường mất 90 tỷ USD, có thể phải bồi thường tới 40 tỷ USD trong khi chỉ còn 7 tỷ USD tiền mặt, chẳng điều gì là không thể xảy ra. Giá cổ phiếu BP sẽ rơi đến đâu? Hoàn toàn có thể chỉ còn là đống giấy vụn.
Đã có người cho rằng BP có thể bị mua vì giá cổ phiếu đã giảm quá nhiều và các công ty dầu lửa khác có thể thèm muốn tài sản giá rẻ của BP.
Những ý tưởng kiểu như một ngày kia BP nộp đơn xin bảo hộ phá sản, đặc biệt là việc đó nằm trong một kế hoạch sáp nhập để có thể cô lập mọi trách nhiệm có liên quan tới vụ tràn dầu đang bắt đầu loang đi trên phố Wall.
Giới ngân hàng và luật sư đã vội tính tới những thương vụ có thể xảy ra và không quên đếm cả số phí mình có thể thu về. Cổ phiếu BP đã mất giá tới một nửa kể từ vụ nổ Deepwater Horizon nên một số nhà phân tích và chuyên gia ngân hàng đã đánh hơi thấy một vụ mua lại.
Câu hỏi đặt ra là với những trách nhiệm chồng chất có thể phải gánh chịu, ai sẽ là người mua lại BP? Người ta cho rằng Shell và Exxon Mobil đều đang liếm mép thèm thuồng.
Những bộ óc sắt đá trong ngành luật đang mơ về viễn cảnh BP nộp đơn phá sản trước và tách phần chi phí dọn dẹp vụ tràn dầu có thể tiêu tốn tới hàng tỷ đôla thành một thực thể riêng biệt.
Vấn đề là chi phí dọn dẹp và các trách nhiệm khác của BP sẽ tiêu tốn bao nhiêu. Matt Simmons, một chuyên gia về ngành khai thác dầu lửa tại ngân hàng đầu tư, trả lời tờ Fortune rằng chi phí dọn dẹp sẽ nuốt chửng cả BP.
“Họ sẽ có khoảng một tháng trước khi tuyên bố phá sản theo Chương 11. Họ sẽ hết nhẵn tiền vì những vụ kiện, tiền dọn dẹp và đủ thứ chi phí khác. Ba tuần trước Tổng thống Obama đã làm một điều thực sự thông minh khi yêu cầu CEO của BP, ông Tony Hayward, viết giấy cam kết trả mọi chi phí dọn dẹp.
Nhưng cả thế giới này cũng chẳng có đủ tiền mà dọn dẹp Vịnh Mexico. Một khi BP thấy rõ được những con số, họ sẽ hoảng loạn rồi chỉ còn cách phá sản theo Chương 11”.
Người viết bài này không cho rằng BP sẽ giải quyết được vấn đề nhờ tách bỏ bộ phận hoạt động tại vùng Vịnh Mexico để bảo vệ toàn bộ tập đoàn. Giải pháp này lúc nào cũng được đưa ra cho các công ty tài chính đang gặp khó khăn nhưng nó chẳng bao giờ có tác dụng.
Cái gọi là giải pháp Ngân hàng xấu luôn thất bại vì nếu tách “Ngân hàng xấu” ra, nó sẽ sụp đổ ngay lập tức. Sau đó chủ nợ sẽ nhanh chóng quay sang đòi tiền “Ngân hàng tốt”, khiến ngân hàng này tới lượt mình cũng trở thành “Ngân hàng xấu” nốt.
Theo Credit Suisse, chi phí dọn dẹp BP sẽ phải trả có thể lên tới 23 tỷ USD. Thêm vào đó, BP có thể phải chịu thêm 14 tỷ USD bồi thường cho hai ngành du lịch và thủy hải sản của vùng Vịnh Mexico.
Vì thế dù những người bảo thủ ước tính tổng chi phí chỉ là 15 tỷ USD, con số này hoàn toàn có thể vọt lên tới khoảng 40 tỷ USD. Dù gì đi chăng nữa thì chưa có gì liên quan tới vụ tràn dầu này là đúng như người ta kỳ vọng cả.
Tính toán sơ bộ cho thấy vốn dự trữ của BP đủ để trang trải những chi phí của vụ tràn dầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có đủ tiền mặt để thanh toán chi phí dọn dẹp mà vẫn chi trả được các khoản vay cũng như giữ công việc kinh doanh hoạt động hay không.
Ngân hàng nào cũng biết phá sản không phải là vì vốn, đó là chuyện anh có tiền để mà thanh toán hay không. Báo chí đưa tin BP đã chi 1 tỷ USD cho vụ tràn dầu, nhưng chắc rằng cho tới nay đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng chi phí dọn dẹp.
Phần lớn số tiền chi ra là để hút dầu và cố ngăn dầu rò rỉ thêm. Khoan thêm hai giếng giảm áp không thể nào rẻ được. Vào cuối năm 2009, giá trị sổ sách của BP là 102 tỷ USD (bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ).
Nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó là tiền mặt (chỉ có 8 tỷ USD, nay có lẽ chỉ còn 7 tỷ USD). Thêm nữa, 20 tỷ USD trong giá trị sổ sách của BP là sự tín nhiệm và các tài sản vô hình, một thuật ngữ kế toán phần nào biểu thị giá trị thương hiệu BP.
Giờ có lẽ ít ai không đồng tình rằng “sự tín nhiệm” đối với BP chỉ còn là một con số không tròn trĩnh. Hãy cùng chờ xem liệu giá cổ phiếu tập đoàn này có chịu chung số phận hay không.
Minh Tuấn