Bớt ăn sắm hàng hiệu để con khỏi tủi thân

Với tâm lý phải dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con, nhiều ông bố bà mẹ dù thu nhập thấp nhưng vẫn cố sắm vài bộ đồ hàng hiệu để con đỡ tủi thân.

Bé Bống, con chị Mai Thị Bích (Kim Liên, Hà Nội) mới 4 tuổi nhưng đã biết phân biệt hàng hiệu với hàng bình thường, chả là từ nhỏ Bống đã được mẹ sắm cho tất tật toàn quần áo, giày dép… toàn đồ đắt tiền nên về khoản thời trang thì Bống luôn sành điệu hơn hẳn các bạn cùng lớp.

 

Chị Bích tâm sự, nhà mình có mỗi một đứa con, phải dành tất cả những gì tốt nhất cho cháu, mà dùng hàng hiệu đúng là khác hẳn hàng thường nhé, cháu dùng hàng xịn quen rồi, bây giờ mặc đồ Việt Nam hay đồ Tàu thấy khó chịu ngay.

 

Những đồ chị Bích sắm cho Bống toàn hàng xách tay từ Pháp, Mỹ, một chiếc áo phông hay một chiếc váy bò giá cỡ 400 - 500.000 đồng/chiếc, cả bộ áo, váy, giày, mũ của Bông có khi lên tới gần 2 triệu đồng.

 

Gia đình chị Bích cũng không phải thuộc tầng lớp khá giả, chị làm kế toán cho một công ty hóa chất, lượng 6 triệu đồng/tháng còn chồng chị làm kĩ sư cho một nhà máy của Hàn Quốc lương 12 triệu đồng/tháng nhưng vẫn cố mua đồ hiệu cho con.

 

Dù biết, mua đồ hiệu cho con đắt hơn cả người lớn mà bé thì nhanh lớn cũng chẳng mặc được lâu nhưng chị vẫn không tiếc. Chị Bích tâm sự, bây giờ đồ Tàu sợ lắm, toàn hóa chất độc hại, tiết kiệm đồ của mình còn được chứ với con cái là phải mua đồ xịn , mình thì yên tâm. Hơn nữa, còn con có đồ đẹp khoe bạn bè cũng hãnh diện không đến lớp nõ cũng tủi thân.
 
Bớt ăn sắm hàng hiệu để con khỏi tủi thân

 

Cùng tâm lý như chị Bích, hiện giờ nhiều ông bố bà mẹ trẻ có con nhỏ không chỉ cầu kì chăm sóc con mà còn muốn trưng diện cho con vì con là bộ mặt của bố mẹ, con cái ăn mặc đẹp thì bố mẹ cũng tự hào với bạn bè. Không những thế, đến lớp các bế cũng đã biết “soi” quần áo của nhau mà cô giáo lại hay so sánh khen đò bé này trước mặt bé khác nên dễ làm bé buồn.

 

Bích Phương làm lễ tân ở Tập đoàn nhà nước lớn kể: “Ở chỗ mình mọi người chăm chút con lắm, đồ lúc nào cũng phải là hàng ngoại nhập, hàng xách tay. Ngày trước mình cũng mua đồ bình thường cho con thôi, nhưng sau thấy phong trào sắm đồ hiệu cho con ở cơ quan sôi nổi quá, thi thoảng các chị rủ rê, mình thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không hay.

 

“Đúng là mua đồ hiệu cho con dùng thích hơn hẳn mà mỗi lần dẫn con đi liên hoan cũng không thấy ngại như trước. Còn nhớ hồi xưa thấy cháu nào cũng mặc đồ đẹp trừ mỗi con mình, thấy tội cháu mà tội cả mình nữa. Đành là thu nhập chưa dư dả nhưng cũng phải cố cho mẹ đẹp mặt, con đỡ tủi”.

 

Chỗ làm của Phương là tập đoàn lớn nên lương thưởng của nhân viên cũng khá nên việc sắm đồ hiệu cho con cũng là chuyện bình thường, nhưng Phương chỉ làm lễ tân, với mức lương 6 triệu/tháng mà còn phải lo cho cả nhà vì chồng làm ngiên cứu thu nhập thấp nên nhiều khi thấy cũng quá sức.

 

Tuy vậy, “cũng phải cố thôi, mình thì sao cũng được chứ không thể để con thua kém chúng bạn” Phương nói.

 

Cầu kì hơn, chị Hoàng Mai, Thụy Khuê, Hà Nội không chỉ sắm quần áo hàng hiệu cho con mà từ khi mang thai, sữa bầu, đến sữa tươi, sữa chua đến thuốc bổ thứ gì cũng phải hàng ngoại chị mới dùng. Khi sinh con ra cũng vậy, tất cả bỉm, sữa, quần áo, chăn, nôi… trong nhà chị Mai không có thứ gì không “made in Tây”.

 

Chị bảo, khó lắm mới có được một đứa con, phải mua đồ ngoại mới yên tâm chứ bây giờ hàng trong nước chất lượng chả biết đường nào mà lần, chưa kể hàng Tàu thì nhiều nhan nhản mà toàn chứa chất gây ung thư.

 

Chị Mai từ khi còn độc thân cũng đã hay dùng hàng hiệu nên trong việc mua đồ cho con chị sành lắm, chỗ nào bán hàng xách tay quá date hay hàng Tàu trà trộn chị biết hết nên những nơi chị chọn mua đồ cho con toàn là chỗ uy tín.

 

Chị chia sẻ, cùng một loại sữa bột thôi nhé, hàng tôi mua khác hẳn với hàng trôi nổi trên thị trường. Chưa nói đến hàng giả, cùng hàng thật với nhau mà hàng xách tay do tiếp viên mang về chất lượng một trời một vực với hàng cũng mang tiếng là xách tay nhưng thực ra là gửi đường biển về nước.

 

Chị nói: “hàng xách tay tiếp viên hay người quen mang về chỉ vài tiếng là về đến Việt Nam, còn hàng ở ngoài là họ đóng kiện gửi chậm về nước, lênh đênh trên biển cả vài tuần mới cập cảng, quần áo thì không sao chứ sữa mà về nước theo đường biển, bảo quản không thoảng mát, rồi ngoài biển không khí ẩm, sữa về tay mình chất lượng sẽ khác ngay”.

 

Chị Mai cầu kì và phấn khởi khi mua hàng ngoại cho con bao nhiêu thì chồng chị lại đau đầu bấy nhiêu. Anh kể, vợ tôi cực đoan đến mức quá thể, nuôi con ở Việt Nam mà như nuôi con ở nước ngoài, quần áo của cháu toàn đồ ngoại thì không nói làm gì, đến đồ ăn của cháu từ sữa, bột cho đến ruốc cá hồi, bánh qui thứ gì cũng cũng hàng xách tay cả. Những thứ đó ở nước ngoài thì già bình thường chứ về Việt Nam đồ nào cũng đắt gấp 2 gấp 3 giá trị thật, thành thử ra chỉ riêng tiền quần áo, đồ ăn của con thôi một tháng đã tốn cả chục triệu rồi.

 

Anh cho biết thêm, trước đây thì tốn chừng ấy chứ hơn nữa cũng không sao vì anh kinh doanh bất động sản cũng khá nhưng năm nay bất động sản đóng băng, chả làm ăn gì được, hai vợ chồng chỉ trông vào tiền lương hàng tháng mà vợ cứ xính ngoại kiểu này thì không biết trụ được bao lâu.

 

Theo Nhị Anh

VEF