1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Bóng ma" tội phạm tài chính - ngân hàng (Kỳ 2)

“Sức khỏe” của nền kinh tế đang có vấn đề và một phần nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng này là do hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gây ra.

Đến "nội thương"

Với khoảng 100 tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước đang hoạt động, thị trường tài chính - ngân hàng của nước ta được xem là một trong những thị trường lớn, hấp dẫn và sôi động bậc nhất trong khu vực. Nhưng cũng chính vì vậy, thị trường tài chính - ngân hàng của nước ta vốn đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, pháp luật… đã trở thành mục tiêu tấn công của bọn tội phạm ngân hàng cả trong và ngoài nước.

Theo nhận định của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, diễn biến của loại tội phạm này hiện đang rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn.

Đặc biệt, trong nhiều vụ việc, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn mang tính quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia như: Tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng Internet, lắp đặt thiết bị máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng sau đó làm giả thẻ rồi rút tiền hoặc làm giả các lệnh chuyển tiền, buộc các ngân hàng trong nước phải thanh toán. Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền, chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng; hay các đối tượng người nước ngoài hoặc Việt kiều nhập cảnh vào Việt Nam tự xưng là giám đốc, lãnh đạo, nhân viên của các tập đoàn, các công ty tài chính lớn vào Việt Nam tìm kiếm đối tác, đầu tư hoặc hỗ trợ tài chính, cho các doanh nghiệp của Việt Nam vay vốn kinh doanh rồi lừa đảo, chiếm tiền đặt cọc...
 
Qua những vụ án đã được phát hiện, điều tra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thời gian gần đây có thể thấy, loại tội phạm này không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng mà còn làm gia tăng mức độ rủi ro và nguy cơ mất an toàn hệ thống của các ngân hàng. Điều này đã gián tiếp đẩy các ngân hàng vào tình trạng mất khả năng chi trả, đóng băng tín dụng, hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Nghiêm trọng hơn khi những thông tin liên quan đến hoạt động phạm tội bị rò rỉ, các tổ chức cá nhân ồ ạt rút tiền gửi sẽ đẩy các ngân hàng vào tình trạng mất thanh khoản và nếu không có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì rất có thể sẽ xảy ra đổ vỡ dây truyền toàn hệ thống ngân hàng và tác động trực tiếp tới an ninh tiền tệ quốc gia.

Ví dụ cụ thể có thể kể đến vụ Nguyễn Đức Kiên khi chỉ trong vòng ít ngày sau khi thông tin đối tượng này bị bắt, hàng ngàn tỉ đồng đã bị rút khỏi Ngân hàng ACB khiến ngân hàng này đối diện với nguy cơ mất thanh khoản nghiêm trọng; Hay như vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gây thiệt hại 1.600 tỉ đồng.
 
Nguyễn Đức Kiên đã tạo ra cú sốc tài chính lớn nhất năm 2012
Nguyễn Đức Kiên đã tạo ra cú "sốc" tài chính lớn nhất năm 2012

Ngay sau khi những thông tin liên quan bị rò rỉ, các tổ chức kinh tế lớn đã đồng loạt rút khoảng 30.000 tỉ đồng khiến các chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam lâm vào tình trạng yếu thanh khoản nghiêm trọng, gây nguy cơ thiếu hụt thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng.

Không chỉ vậy, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn trực tiếp phá hoại, tổ chức và làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên. Con số 70% bị can là cán bộ nhân viên ngân hàng trong các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng đã cho thấy điều đó. Thậm chí trong nhiều vụ án, các đối tượng phạm tội đã thao túng, chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng.

Điển hình như vụ án tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu có tới 23 cán bộ phạm tội, gây thiệt hại 5 tỉ đồng. Hay như vụ tham ô 9 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Mai...

Đáng chú ý, đây đều là những vụ án tham ô có tổ chức, từ lãnh đạo đến kế toán, thủ quỹ ngân hàng tham gia tạo thành đường dây khép kín, hoạt động và che giấu tội phạm rất tinh vi.

Các đối tượng trên đã mở tài khoản cá nhân, rút tiền của ngân hàng bằng cách làm giả chứng từ chuyển tiền rồi thao tác trên máy tính để chuyển các khoản tiền gửi của khách hàng có tài khoản tại ngân hàng này sang tài khoản của bọn chúng, sau đó lập giấy lĩnh tiền mặt để rút tiền, chiếm đoạt. Hoặc tạo dựng các chứng từ khống thể hiện có người gửi tiết kiệm vào Chi nhánh Chợ Mai để lập các sổ tiết kiệm giả có ký tên, đóng dấu mang tên một số khách hàng do chúng sắp đặt. Sau đó dùng các sổ tiết kiệm này để lập hồ sơ cầm có vay vốn ngân hàng này rồi làm thủ tục giải ngân, lĩnh tiền mặt để chiếm đoạt.

Thị trường tài chính đang bị bóp méo như thế. Thậm chí, hoạt động của loại tội phạm này còn đã khiến hệ thống ngân hàng hoạt động không đúng định hướng, làm cho khâu điều hành, quản lý của Ngân hàng Nhà nước không có tác dụng, kém hiệu quả, gây mất lòng tin của nhân dân, dẫn tới những bất ổn về kinh tế.

Đáng lưu ý, nó cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng trong những năm gần đây của nước ta. Thông qua những thủ đoạn kiểu như trên và đặc biệt là những “ma trận” được hình thành bởi sự móc nối từ nhóm đối tượng này, một lượng lớn tài sản, vốn của ngân hàng đã “chảy” vào túi của các “nhóm lợi ích”.

Để rồi, bằng chính dòng tiền này, chúng mang đi đầu cơ thao túng thị trường khác như chứng khoán, bất động sản, vàng... gây lũng đoạn nền kinh tế mà biểu hiện của nó chính là hiện tượng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, sự chi phối của các “đại gia” trên thị trường tài chính - ngân hàng.

“Cái chết” của thị trường bất động sản hơn 2 năm qua đã thể hiện rất rõ điều này khi đây chính là “mồ chôn” tới 70% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Không ít ngân hàng đang “chết” chìm cùng bất động sản như thế! Nguy hại hơn, nợ xấu và đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản cũng đang được nhắc tới là một trong những thủ phạm chính cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Giới chuyên gia khi phân tích nguồn cơn của nợ xấu ở nước ta cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, phần lớn nợ xấu của nền kinh tế nói chung và nợ xấu ngân hàng nói riêng là do sự chi phối của “nhóm lợi ích”, mà bản chất là hoạt động của tội phạm ngân hàng gây ra.

Chúng đang sinh xôi, phát triển và phá hủy những thành quả mà nền kinh tế đã nỗ lực nhiều năm mới gây dựng lên, làm tổn thương “nguyên khí” của quốc gia. Nguy hại hơn, để khắc phục, trị tận gốc những hậu quả mà loại tội phạm này gây ra là vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị mà ở đó, lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân bị suy giảm nghiêm trọng.

Chủ trương, chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng là sự thể hiện vai trò chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và là yếu tố đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo nền tảng ổn đinh cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều vụ án, những chủ trương, chính sách, pháp luật trên đã không được đội ngũ cán bộ ngân hàng thực hiện nghiêm, thậm chí là tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Điều này đã gián tiếp phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, thậm chí, làm méo mó, sai lệch, dẫn tới hoài nghi, mất niềm tin của các cơ quan, tổ chức và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng.

“Sức khỏe” của nền kinh tế đang có vấn đề và một phần nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng này là do hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gây ra.

 

 Báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Tội phạm ngân hàng gây tác động, ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn của lĩnh vực ngân hàng, cũng như của cả nền kinh tế. Trong khi đó, việc điều tra các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng hay các vụ án tham nhũng lớn gặp rất nhiều khó khăn, do quy định giám định về tài sản, tài chính của Việt Nam còn yếu, ảnh hưởng tới việc xác định bằng chứng vi phạm”.

 

(Xem tiếp kỳ sau)
Theo Thanh Ngọc
Petrotimes