DNews

"Bóng ma AI" dẫn đến cuộc đại sa thải của loạt gã khổng lồ công nghệ

Phương Liên

(Dân trí) - Loạt ông lớn trong ngành công nghệ như Dell, Intel, Google... sẵn sàng chi hàng tỷ USD vào "ván cược" AI. Nhưng điều này cũng buộc họ cắt giảm những bộ phận truyền thống và sa thải hàng loạt nhân sự.

"Bóng ma AI" dẫn đến cuộc đại sa thải của loạt gã khổng lồ công nghệ

Nhân viên "ngồi trên đống lửa" khi chờ sa thải

Dell vừa thông báo kế hoạch cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động hiện tại. Tính đến tháng 2, công ty có 120.000 nhân viên toàn thời gian trên toàn cầu. Do đó, khoảng 12.000-12.500 nhân viên Dell sẽ bị ảnh hưởng.

"Cứ 6 tháng, họ lại sa thải một lần. Tại đây không có cơ hội thăng tiến nào cho chúng tôi. Tôi đang tìm kiếm công việc mới ở công ty khác trong 9 tháng qua", một nhân viên của Dell chia sẻ với Business insider.

Trong một bản ghi nhớ nội bộ, các giám đốc điều hành cấp cao của Dell cho hay công ty sẽ nỗ lực tập trung vào việc phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Mục đích sắp tới của công ty hướng tới việc tăng trưởng nhanh hơn trên thị trường, cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

"Dell đang tinh gọn bộ máy. Chúng tôi giảm bớt các lớp quản lý, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong dự án đầu tư", Bloomberg dẫn thông báo nội bộ của Dell.

Bóng ma AI dẫn đến cuộc đại sa thải của loạt gã khổng lồ công nghệ - 1

Nhiều công ty sa thải hàng loạt nhân sự để tập trung vào việc phát triển công nghệ và AI (Ảnh: CNN).

Đầu năm ngoái, công ty cũng sa thải gần 7.000 người, đồng thời cho hàng nghìn người khác nghỉ việc ngay sau đó. Một cựu nhân viên Dell từng mô tả với PCMag rằng quá trình đó thậm chí được gọi là một "cuộc tàn sát", đồng thời ước tính công ty cũ thực tế đã cắt giảm 25.000 việc làm trong vòng 1 năm qua.

Theo Business Insider, quyết định trên diễn ra khi Dell triển khai chiến lược mới tập trung vào AI. Công ty đã thử nghiệm các công cụ AI nội bộ từ tháng 10 năm ngoái và đang áp dụng vào phát triển sản phẩm, quản lý nội dung, công cụ bán hàng và dịch vụ khách hàng.

Trong báo cáo thu nhập ròng vừa được Dell công bố cách đây ít ngày, công ty cho biết doanh thu tăng mạnh đối với các sản phẩm máy chủ. Cụ thể, doanh thu mặt hàng này đã tăng 42% lên 5,5 tỷ USD, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về máy chủ AI. Dell dự kiến doanh thu quý II từ 23,5 tỷ USD đến 24,5 tỷ USD. Hãng đặt mục tiêu doanh thu từ 93,5 tỷ USD đến 97,5 tỷ USD cho cả năm tài chính.

Sa thải hàng loạt, chi hàng tỷ USD cho AI, chuyện gì xảy ra?

Việc sa thải quy mô lớn của Dell diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Intel công bố thông tin tương tự. Intel đã công bố một số thay đổi lớn đối với hoạt động kinh doanh của mình nhằm cắt giảm tổng chi phí, bao gồm sa thải khoảng 15.000 việc làm, tương đương khoảng 15% tổng lực lượng lao động của công ty.

Trong email được gửi cho nhân viên công ty, ông Pat Gelsinger, giám đốc điều hành của Intel, cho biết: "Chúng ta phải điều chỉnh cơ cấu chi phí của mình và thay đổi cách thức hoạt động. Chi phí của chúng ta đang quá cao trong khi biên lợi nhuận quá thấp. Chúng ta cần những hành động táo bạo hơn để giải quyết cả hai, đặc biệt là khi xét đến kết quả tài chính và triển vọng trong nửa cuối năm còn nhiều khó khăn".

Ông Gelsigner cũng chia sẻ rằng quyết định sa thải 15.000 nhân viên của Intel là điều khó khăn nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp của mình.

Khác với Dell, Intel phải giảm bớt nhân sự do đang tụt hậu so với đối thủ trong cuộc đua chip AI, còn thị trường chip dành cho trung tâm dữ liệu truyền thống có xu hướng đi xuống.

Bóng ma AI dẫn đến cuộc đại sa thải của loạt gã khổng lồ công nghệ - 2

Việc cắt giảm nhân sự cũng diễn ra trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ đổ hàng tỷ USD vào AI (Ảnh: iStock).

Công ty chip của Mỹ đang vật lộn với việc kinh doanh và sản xuất do chậm chân trước đối thủ, trong khi mục tiêu của hãng máy tính là tăng lợi nhuận. Cổ phiếu Intel đã giảm hơn 40% trong năm qua.

Tin tức này xuất hiện cùng lúc với việc Intel công bố kết quả tài chính của quý II khi doanh thu công ty đạt 12,8 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý này, công ty lỗ 1,61 tỷ USD thay vì lãi 1,47 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài việc sa thải dự kiến sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm nay, Intel cũng công bố kế hoạch cắt giảm chi phí tổng cộng là 10 tỷ USD để tập trung phát triển bộ vi xử lý AI. Đồng thời, Intel cũng có kế hoạch tiếp tục cắt giảm chi phí đến năm 2026.

Việc cắt giảm nhân sự cũng diễn ra trong bối cảnh các gã khổng lồ công nghệ đổ hàng tỷ USD vào AI. Từ startup đến tập đoàn công nghệ đều đang tự động hóa và đổi mới cách thức vận hành. Khi tổ chức dồn lực vào AI, họ cần huy động nguồn tiền lớn, cải tiến đội ngũ nhân sự các công ty, nhằm dành nguồn lực đầu tư vào AI.

Công ty mẹ của Google cũng không ngoại lệ khi đã phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự kể từ đầu năm ngoái. Theo đó, ông lớn công nghệ đã cắt giảm khoảng 21.000 việc làm, tương đương 22% lực lượng lao động, sau sự suy thoái của thị trường quảng cáo trực tuyến.

Hồi tháng 2, Mark Zuckerberg thừa nhận việc sa thải rất đau đớn và khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng đem lại lợi ích và hiệu quả lâu dài. "Meta gặp nhiều trở ngại khi phải chia tay các kỹ sư tài năng. Dù vậy, việc tinh gọn thực sự giúp chúng tôi hoạt động tốt hơn", Zuckerberg chia sẻ với báo chí.

Trong khi đó, công ty công nghệ thông tin Cisco cũng đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh lớn. Lần đầu vào tháng 2 với 4.000 nhân viên bị cho thôi việc. Lần thứ hai được cho là đang diễn ra với con số tương đương hoặc cao hơn, trong bối cảnh công ty chuyển trọng tâm sang lĩnh vực mới như AI và an ninh mạng.

Sự bất ổn kinh tế, các ưu tiên chiến lược hoặc sự thay thế của AI được coi là những nguyên nhân gây ra các đợt cắt giảm nhân sự đã nêu. Nokia, tập đoàn viễn thông đa quốc gia có trụ sở tại Phần Lan, cũng đã thông báo sẽ giảm tới 14.000 nhân viên từ nay cho đến năm 2026 do doanh thu giảm.

"Tình hình thị trường thực sự đầy thách thức. Tại thị trường quan trọng nhất của chúng tôi là Bắc Mỹ, doanh thu ròng đã giảm 40% trong quý 3 năm nay", ông Pekka Lundmark, Giám đốc điều hành của Nokia, chia sẻ với báo chí. 

Đâu là nguyên nhân phía sau các cuộc "đại sa thải"?

2023 được xem là năm tồi tệ nhất đối với Thung lũng Silicon kể từ vụ sụp đổ dot-com vào đầu những năm 2000. Thế nhưng, sau cuộc "đại sa thải" đó xu hướng cắt giảm nhân sự vẫn được tiếp tục trong năm nay. Dữ liệu từ nền tảng việc làm Layoffs.fyi cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 60.000 nhân sự công nghệ mất việc. Các công ty như Tesla, Snap, Amazon, Google, TikTok và Microsoft đều tìm cách tối ưu hóa chi phí vận hành bằng cách tinh gọn bộ máy.

Một số nhân viên Dell chia sẻ với Business Insider rằng việc sa thải khiến họ cảm thấy khó khăn, nhưng họ hiểu rằng AI đang thay đổi bản chất công việc. Các chuyên gia cho biết số tiền dành cho các máy chủ AI ngày càng tăng, nên việc giảm nhân sự là cách để giảm chi phí ở phía doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng về lâu dài, những thay đổi này giúp các công ty "trụ lại" và tiếp tục phát triển. Người may mắn không bị sa thải phải chấp nhận thực tế họ chưa an toàn và đây chưa phải đợt thanh lọc cuối của ngành công nghệ trong năm nay.

Bóng ma AI dẫn đến cuộc đại sa thải của loạt gã khổng lồ công nghệ - 3

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại cho rằng việc điều chỉnh nhân sự là tín hiệu tích cực (Ảnh: Forbes).

Bà Pauline Roth, nhà sáng lập công ty tư vấn PCR (Mỹ), chia sẻ trên LinkedIn rằng bên cạnh tác động của AI, còn có một số lý do khác như quy mô nhân sự phình to nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch đã tạo "khủng hoảng" thừa nhân sự.

"Sau đợt tuyển dụng tăng vọt hậu đại dịch Covid-19, những tác động kéo dài của đợt tuyển dụng này vẫn còn rất rõ. Các công ty công nghệ đã chi quá mức vào việc tăng quy mô nhân sự. Giờ đây họ nhận thấy nhu cầu cấp thiết là phải điều chỉnh lại đội ngũ và sắp xếp theo cấp độ cần thiết", bà nhận định với WSJ.

"Các công ty sẽ giảm lượng lớn nhân lực nếu chứng kiến doanh nghiệp khác làm được nhiều hơn với số nhân viên tinh gọn hơn. Điều này đang lây lan khắp ngành công nghệ", ông Brent Thill, nhà phân tích công nghệ tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cảnh báo với Fortune.

Trong khi đó, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại cho rằng việc điều chỉnh nhân sự là tín hiệu tích cực. Ông Jeff Shulman, giáo sư  tại Trường Kinh doanh Foster thuộc Đại học Washington, cho biết việc sa thải thường diễn ra khi công ty nhỏ cạn nguồn tiền mặt.  Còn đối với doanh nghiệp lớn thì đây là việc tinh gọn giúp công ty vận hành tốt hơn.

"Thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực sau mỗi đợt điều chỉnh nhân sự, vì thế các công ty không có lý do gì để dừng lại. Họ muốn làm hài lòng nhà đầu tư", Shulman nói với NPR. "Làn sóng này thậm chí là sự bắt chước lẫn nhau".