1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bóng các ngân hàng ngầm “che phủ” 70.000 tỷ USD tài sản toàn cầu

(Dân trí) - Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dẫn báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố ngày 1/10 cho biết, hơn 70.000 tỷ USD tài sản trên thế giới hiện đang được điều khiển bởi các ngân hàng ngầm.

Theo đó, ngân hàng ngầm là các trung gian tín dụng thực hiện những hoạt động giao dịch mang tính chất ngân hàng nhưng nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thống.

Hiện, Mỹ đang là nước có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất với tổng giá trị vào khoảng 15.000 - 25.000 tỷ USD, gấp đôi khối lượng tài sản của các ngân hàng chính thống.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giá trị này thấp hơn song vẫn ở mức cao xấp xỉ 60% tổng tài sản của các ngân hàng thông thường. Trong khi đó, ở Trung Quốc, IMF ước tính các ngân hàng ngầm chiếm tới 35-50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).


Ông Gaston Gelos, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính toàn cầu của IMF đánh giá, có hơn 70.000 tỷ USD tài sản trên thế giới hiện đang được điều khiển bởi các ngân hàng ngầm. Không chỉ thế, hoạt động của hệ thống ngân hàng này đang có xu hướng nở rộ trong bối cảnh các ngân hàng chính thống phải áp dụng các quy tắc khắt khe, hạ tỷ lệ lãi suất, khiến các nhà đầu tư quay sang gửi tiền tại các thể chế có lãi suất cao hơn.

Với quy mô chiếm khoảng một nửa hệ thống ngân hàng toàn cầu, ngân hàng ngầm là nguồn vốn quan trọng với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này cũng đe dọa đến sự bình ổn tài chính nếu không được giám sát chặt chẽ. 

Báo cáo của IMF cho biết, các ngân hàng ngầm tạo ra nguy cơ cao bởi các trung gian tín dụng này phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để thực hiện các dịch vụ tín dụng. Nếu tình trạng rút tiền ồ ạt xảy ra, nó có thể tạo hiệu ứng dây chuyền và gây hậu quả lớn cho hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu tương tự như câu chuyện khủng hoảng hồi năm 2008.

Theo đó, giữa năm 2007, tình trạng rút tiền hàng loạt đã xảy ra tại các ngân hàng ngầm khi hệ thống này rơi vào tình trạng căng thẳng về vốn và thanh khoản yếu, khiến nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Sự việc leo thang đến đỉnh điểm vào năm 2008 và được cho là một trong những nguyên nhân chính đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc đại suy thoái.

IMF khuyến cáo chính phủ các nước theo dõi sát sao và thu thập dữ liệu chi tiết để có thể đánh giá đúng mức về mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng ngầm, đồng thời có các biện pháp điều chỉnh và can thiệp khi cần thiết. IMF cũng nhấn mạnh hợp tác quốc tế là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng “di chuyển” xuyên biên giới của các hoạt động rủi ro cao.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm