Bơm tiền chưa chắc cứu được nghề nuôi cá tra
Chính phủ vừa đưa ra giải pháp bơm tiền cho doanh nghiệp vay để cứu chuỗi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không vay vì sợ lãi suất cao. số khác cần vay thì lại không có tiêu chuẩn vay, hoặc lượng tiền không đủ để cho vay.
Khi 1.000 tỉ đồng “giải cứu cá tra” về tới ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT) tám tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang, các địa phương đã chỉ đạo ngân hàng phân bổ nguồn vốn ra hai phần, một phần cho doanh nghiệp vay mua cá, một phần phát vay cho người nuôi.
Tuy nhiên, tất cả đều phải chịu lãi suất 1,5%/tháng. Tại An Giang, có 4/6 doanh nghiệp từ chối vay tiền, thà không vay còn hơn là lao vào vùng xoáy.
Rót vốn chưa đúng chỗ?
Ông Nguyễn Tấn Phước, phó giám đốc ngân hàng NN - PTNT tỉnh An Giang cho biết thay vì chỉ có hai doanh nghiệp được chọn vay vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo phân bổ 165 tỉ đồng cho năm doanh nghiệp để mua nguyên liệu.
Việc giải ngân theo tiến độ từng ngày dưới sự kiểm soát của sở NN - PTNT. Số 35 tỉ còn lại, ngân hàng sẽ tập trung đầu tư cho người nuôi từng là khách hàng có quan hệ lâu dài với ngân hàng, không phát vay đối với những hộ nuôi mới.
Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Ngọc Rạng, giám đốc ngân hàng NN - PTNT Đồng Tháp cho biết đến thời điểm này, tổng dư nợ đầu tư cho cá tra là 430 tỉ đồng. Có thêm 200 tỉ, ngân hàng sẽ tập trung đầu tư cho người nuôi cá với lãi suất 1,5%/tháng.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một doanh nghiệp nào đến đặt vấn đề vay tiền mua cá. Sóc Trăng được rót vốn 100 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Khởi, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết tỉnh ưu tiên 60 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay vốn để mua cá nguyên liệu, còn lại cho người nuôi cá vay.
Theo ông Trương Hải, chủ một doanh nghiệp chuyên chế biến cá tra ở Châu Đốc, có hai lý do không lạc quan khi An Giang chỉ có năm đơn vị được ngân hàng chọn để rót vốn.
Thứ nhất: các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ mua cá có trọng lượng khoảng 1kg (trước đây 700 - 800g/con) lấy phi lê; thứ hai: nếu rót vốn vào 4 - 5 công ty thì với 200 tỉ chỉ đủ giải quyết vùng nguyên liệu trong hệ thống của họ hoặc mua của người ngoài chút ít chiếu lệ là hết rồi, có đâu giải quyết bài toán cá quá lứa.
Hiện nay, thống kê chưa đầy đủ ở tám tỉnh, thành miền Tây có ít nhất 300.000 tấn cá tra cần bán liền. Trên 50% trong số này đã quá lứa làm phi lê xuất khẩu. Các doanh nghiệp ở An Giang được ngân hàng chọn để rót vốn phải cam kết sẽ nâng mức thu mua cá nguyên liệu cho nông dân với giá sàn 13.800 - 14.000đ/kg, thấp hơn giá thành từ 1.700 -2.200đ/kg.
Ông Trương Hải tiếc rẻ nói: “Trong khi đó, nhiều cơ sở sẵn sàng mua cá bự (trọng lượng từ 1 - 5kg/con) để chế biến thì không được phép vô sân chơi này”.
Hấp hối… dây chuyền
Ông Bùi Hữu Trí, chủ tịch hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ (CAFA), cho biết: “Thực tế người nuôi cá phải tồn tại bằng tiền ứng trước từ các doanh nghiệp, chịu lãi suất 3% trở lên!”. Chủ nhiệm một hợp tác xã nuôi cá ở Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết cứ 100 tấn cá, phải chi cho “cò mua cá tra” 10 triệu đồng.
Quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp đang có vấn đề khi ngay cả các công ty có uy tín cũng bắt đầu chiếm dụng vốn của người nuôi. Người nuôi nợ đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, đại lý nợ nhà sản xuất thức ăn…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo: “Nếu một trong các tác nhân trong chuỗi sản xuất bị tác động, khả năng phát triển bền vững bị ảnh hưởng thì các tác nhân khác sẽ bị lung lay”.
Do đó, bơm vốn vào doanh nghiệp để giúp người nuôi chưa thể là một giải pháp đủ, mà cần có thêm những hỗ trợ khác.
Theo Gia Khiêm - Ngọc Tùng - Mỹ An
Báo SGTT