Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm:

"Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chậm chạp là câu chuyện của ngày xưa"

Trúc Ly

(Dân trí) - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới không chỉ bảo vệ mỗi phương tiện. Người nghèo, tài xế xe công nghệ càng nên mua bảo hiểm này.

Ngày 15/11, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình Bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo về việc Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system - hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN).

ACMI là hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu trung tâm để các nước thành viên tham gia hệ thống cấp đơn bảo hiểm. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN. 

Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN ghé tới Việt Nam bằng hình thức quá cảnh hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng, đều phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 

Với việc kết nối thành công vào hệ thống ACMI, Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong hoạt động này, cùng với Thái Lan và Singapore.

Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chậm chạp là câu chuyện của ngày xưa - 1

Lễ công bố thông tin Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN (Ảnh: VINABAI).

Phát biểu trong buổi công bố thông tin, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch VINABAI - cho biết khi tích hợp việc bán bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới thông qua hệ thống online sẽ giúp tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa quá trình sử dụng của người dân các nước Lào, Campuchia, Thái Lan... khi ghé tới Việt Nam.

Có mặt trong buổi công bố thông tin, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), nguyên Chủ tịch VINABAI - cho rằng bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới không chỉ bảo vệ mỗi phương tiện. 

Ông đưa ví dụ về người nghèo, những người làm công việc tài xế xe công nghệ, nên mua bảo hiểm xe cơ giới. Bởi nếu không may họ có va chạm với những xe đắt tiền, thật khó để họ có đủ tiền bồi thường nếu không mua bảo hiểm.

Ngoài ra, ông Huyền nhấn mạnh bảo hiểm xe cơ giới hiện tại của người dân Việt Nam chỉ có tác dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Nếu sang các nước ASEAN, người dân Việt Nam cần tiến hành mua bảo hiểm xe cơ giới ở tại nước bạn, giống với việc công dân nước bạn khi sang Việt Nam cần mua bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam. 

Trả lời về câu hỏi thời gian bồi thường cho người gặp nạn là vấn đề gây tranh cãi vì thủ tục rườm rà, đại diện VINABAI khẳng định: "Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chậm chạp là câu chuyện của ngày xưa. Hiện tại, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện, thực hiện các thủ tục nhanh nhất có thể để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ tạm ứng trong vòng ba ngày, sau đó tiếp tục tiến hành các thủ tục còn lại". 

Nghị định thư số 5 về Chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN (Nghị định thư số 5) được các Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN ký kết ngày 8/4/2001 tại Kuala Lumpur (Malaysia). 

Nghị định này yêu cầu xe cơ giới quá cảnh từ một nước thành viên phải bảo đảm có thẻ xanh (blue card) - bằng chứng chứng nhận xe cơ giới đã được cấp đơn bảo hiểm đáp ứng yêu cầu bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại các nước quá cảnh và nước đi đến cuối cùng trong khối ASEAN.

Nghị định thư số 5 trong ASEAN được triển khai theo 3 nhóm khu vực: Khu vực 1 gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; Khu vực 2 là nhóm các nước Malaysia, Singapore và Thái Lan; Khu vực 3 là nhóm của Malaysia, Brunei và Indonesia.