Bộ trưởng Vinh “hỏi xoáy”, chuyên gia Châu Á “đáp xoay”
(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Châu Á lần thứ 5 tại Hà Nội sáng qua có mặt của hơn 100 chuyên gia hàng đầu các nền kinh tế khu vực. Nhân sự kiện đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam đã có câu hỏi được coi là khá “xoáy”.
âu hỏi đã làm đau đầu các học giả quốc tế tại Diễn đàn và việc trả lời của các vị học giả cũng có “độ xoay” không kém so với mong muốn của Bộ trưởng Vinh là: muốn học hỏi thêm kinh nghiệm và lường trước những rủi ro chính sách mang lại.
“Việt Nam đi sau các nước về xây dựng cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi muốn học hỏi từ các nước đi trước. Chúng tôi muốn các bạn chia sẻ những bài học thành công, thất bại. Bao nhiêu % dự án của các bạn thực hiện bằng PPP mà thành công, bao nhiêu là thất bại; cơ chế PPP có thực sự là “chiếc đũa thần” giải quyết bài toán đầu tư, chi tiêu công hay hiệu quả đầu tư (ICOR) hay không?", Bộ trưởng Vinh hỏi.
Quốc tế cũng phải… “ném đá dò đường”
Câu hỏi của Bộ trưởng Vinh được cả khán phòng vỗ tay bởi đây là 1 câu hỏi rất khó, rất có ích cho Việt Nam và được nhiều người trông đợi để nhân cơ hội này người đứng đầu ngành có thể chia sẻ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đưa ra những đối sách hợp lý nhất. Tuy nhiên, dường như các chuyên gia tại diễn đàn vẫn cho rằng: Các nước cũng vẫn phải ném đá dò dường - vừa thực hiện, vừa sửa đổi để phù hợp.
Ông Masanori Yoshida – Phó Vụ trưởng, Bộ Tài Chính Nhật Bản cho rằng: PPP là khái niệm được đưa ra hơn 20 năm nay, quá trình phát triển của nó cũng có mặt hạn chế và tích cực. Cơ chế này giải quyết được câu hỏi chính là ai sẽ xử lý vấn đề chi phí, chi phí của các dự án phải xử lý thế nào. Không có 1 khuôn mẫu chung và không có 1 chính sách cho tất cả các nước, chúng ta phải ước tính xem liệu khu vực tư nhân có thể tham gia đến mức nào và bao nhiêu % mỗi dự án. Trong các dự án PPP, có nhiều rủi ro, nếu thiết kế cơ chế phân chia trách nhiệm và quyền hạn tốt thì chúng ta sẽ khắc phục được hạn chế. Bài học sẽ rút ra từ các thất bại. Theo đại diện của Indonesia, Philippines, mấy chốt của họ chính là việc có mặt bằng sạch cho các dự án và xây dựng thể chế tốt, trong đó có sự tham gia lập pháp của cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Thirattikan Vasuprasat, Văn phòng Chính sách Doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài Chính Thái Lan cho rằng: PPP không phải là “máy cái “sản sinh ra vốn đầu tư, liệu pháp thay thế triệt để cho đầu tư công; nó không phải là cây “đũa thần” đem lại thành tựu cho các nước, các lĩnh vực và các dự án. Ở Thái Lan, chúng tôi áp dụng hầu hết ở dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các dự án có tính chất thương mại. Còn những dự án xã hội, dự án vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi không thể áp dụng mà phải dùng 100% vốn của Nhà nước. Ở Thái Lan, PPP đòi hỏi sự tham rất lớn và sự tinh tế trong chính sách của Chính phủ bởi nó đều là những dự án dài 20 – 30 năm, nên phải đảm bảo rằng mức lãi của các tư nhân được đảm bảo hợp lý. Đối với Thái Lan, luật mới đã dành hẳn 1 chương về cơ chế thu hút đầu tư hình thức PPP để kê khai trách nhiệm và xây dựng cơ chế cho các bên tham gia nhằm đảm bảo tư nhân được lợi nhất.
Ông Ajay Shankar - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Ấn Độ: Tôi thiết nghĩ, chúng ta cứ làm đi, đây là chính sách thí điểm khá thành công và mỗi nước đã gặt hái được thành tựu rất khác nhau, phụ thuộc vào mỗi ngành, lĩnh vực mà khối doanh nghiệp tư nhân của họ có thế mạnh. Cần có thời gian, hiệu quả thấy được khá là chậm nên chúng ta không thể vội vàng.
Ấn Độ có thành công rất lớn khi kêu gọi cơ chế PPP đầu tư: đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất như (cảng biển, hàng không và đường bộ. Nhưng từ những năm khi nền kinh tế của chúng tôi tăng GDP từ 10%, PPP khá hiệu quả và phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, thời đoạn kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng 5% thì chúng tôi gặp quá nhiều thách thức để kêu gọi tư nhân vì họ đã giảm đầu tư và kỳ vọng lãi do PPP mang lại trong trung và dài hạn ngày càng thấp.
Ân Độ: Đào tạo nghề bằng PPP, điểm sáng khác biệt
Mặc dù chưa có 1 mẫu số chung và những trả lời của các diễn giả vẫn dừng lại ở định tính, tuy nhiên, chừng ấy cũng đủ để cho chúng ta biết được rằng, các nước đã đang và sẽ áp dụng mô hình cơ chế PPP trong đầu tư xây dựng cơ bản đang phải học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ thực tế, từ chính mình và không có lời giải chung.
Khác với các nước ứng dụng PPP vào xây dựng cơ sở hạ tầng là phần lớn. Bài học thành công áp dụng cơ chế PPP vào đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ấn Độ cho ta thêm góc nhìn về họ. Theo ông Ajay Shankar - Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Ấn Độ thì: chúng tôi đã thành công trong việc áp dụng cơ chế PPP vào kế hoạch đào tạo nhân lực của mình. Biến hơn 50% lao động chưa qua đào tạo, lao động trình độ thấp thành lao động kỹ thuật, chuyên môn cao đúng với yêu cầu của DN. Ấn Độ đã lập 1 Ủy ban Quốc gia Việc làm gồm các Hội đồng khác nhau gồm lĩnh vực, ngành nghề theo ngành như đóng tàu, dệt may… . UB này hoạt động theo cơ chế PPP. Các lao động chưa qua đào tạo tại các DN, lao động trình độ thấp khắp nơi sẽ được tập trung vào đây, Nhà nước sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng, còn DN lo cung cấp khung chương trình, công tác dạy học, thiết bị ứng dụng và lo đầu ra.
Mỗi hội đồng trong UB sẽ có những doanh nghiệp đầu ngành, họ có trách nhiệm cung cấp các khung chương trình, các yêu cầu đào tạo, các dự án phát triển từng lĩnh vực… Trải qua thời gian đào tạo liên thông, liên cấp và chuyển đổi trình độ, Ấn Độ đã gặt hái được thành tựu rực rõ: Chuyển đổi lao động của mình sang lao động kỹ năng, chuyên môn, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu xã hội và DN đặt ra. Đây chính là mấu chốt để cải thiện chất chất lượng từ lao động thấp sang lao động bậc cao và nâng cao kỹ năng.
Qua thực tiễn tại các dự án cơ sở hạ tầng, chúng tôi cho rằng PPP không chỉ huy động vốn từ khu vực tư nhân vào dự án hoàn vốn dài, mà còn thừa hưởng các yếu tố hậu PPP như: chuyển giao công nghệ, thay đổi chức năng, đa dạng hóa vai trò quản lý dự án hiệu quả.
Cơ chế hợp tác công – tư (PPP) đã được thí điểm áp dụng tại nhiều dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng cầu đường tại Việt Nam. Hiện cơ chế này chưa được cụ thể hóa trong luật và chưa được thông qua để các bộ, ngành có thể kêu gọi tư nhân đầu tư. Do đây là 1 trong những chính sách phức tạp, liên đới đến trách nhiệm đầu tư, quyền lợi nhà đầu tư và những rủi ro chính sách và thực tiễn mang lại là rất lớn. Làm thế nào để xây dựng cơ chế PPP và thông qua đó để thu hút được đông đảo khu vực kinh tế tư nhân bỏ vốn, kề vai cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng lại có thời gian hoàn vốn kéo dài, thanh khoản vốn chậm… đang đặt ra khó khăn cho Bộ KH&ĐT, cùng các cơ quan soạn thảo và Chính phủ. Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế PPP để nó thực sự phát huy hiệu quả nhưng cũng cần phù hợp thực tiễn đất nước, lĩnh vực, ngành đang là thách thức đối với Việt Nam, và hơn ai hết, chúng ta rất cần kinh nghiệm và chia sẻ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.