Bộ trưởng Thăng: “Phát triển đường sắt cao tốc là cần thiết”
(Dân trí) - “Phát triển đường sắt cao tốc là cần thiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam làm vào lúc nào cần phải tính toán cụ thể. Trước mắt có thể làm đường sắt chạy từ 160 đến gần 200km/h, sau này nâng cấp dần lên”, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói.
Ngày 17/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã trao đổi với báo chí xung quanh chiến lược phát triển đường sắt trong thời gian tới. Ông Thăng cho biết, chủ trương của ngành giao thông là xây dựng tuyến đường sắt với công nghệ hiện đại, an toàn cho người sử dụng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Hà Nội: Tuyến đường ống nước Sông Đà tiếp tục bị vỡ lần thứ 7 * Nhật Bản xây bệnh viện triệu "đô" ở Việt Nam |
Theo ông Thăng, trước tình hình kinh tế - xã hội như hiện nay, đơn vị này đã trình Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển ngành đường sắt. “Thời điểm lập (năm 2009), kinh tế - xã hội đất nước khác với bây giờ. Nhất là từ sau năm 2011, chúng ta thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước… do vậy chiến lược đó không còn phù hợp nữa nên phải điều chỉnh”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói.
Người đứng đầu ngành GTVT Việt Nam cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch phát triển đường sắt cho từng dự án cụ thể, phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải.
“Đầu tư đường sắt phải mang tính lâu dài với công nghệ hiện đại, an toàn. Do vậy, phát triển đường sắt cao tốc là cần thiết vì phương tiện hiện đại này cả thế giới đang dùng. Tuy nhiên, với Việt Nam dùng lúc nào thì phải tính toán”, Bộ trưởng Thăng cho biết.
Trước mắt Bộ GTVT trình phương án xây dựng đường sắt Bắc - Nam (khổ 1.435mm) với tốc độ từ 160 đến dưới 200km/h, chạy chung cả tàu khách và tàu hàng. Khi kinh tế phát triển, ngành giao thông sẽ nâng cấp tuyến đường sắt này thành đường sắt cao tốc.
Đề cập đến tuyến đường sắt khổ một mét, trước đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin phép Bộ GTVT cho lập đề án nghiên cứu xây dựng song song với tuyến hiện tại, Bộ trưởng Thăng cho biết, phương án này không phù hợp. Dù trước mắt có nhu cầu nhưng cần phải tính toán mang tính lâu dài.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước đó đưa ra lý do để xây dựng tuyến đường sắt khổ một mét là vì dự kiến đến năm 2050 mới có đường sắt tốc độ cao, như vậy đường sắt hiện tại phải gánh thời gian hơn 35 năm nữa. Trong khi đó, năng lực khai thác tuyến đường sắt hiện tại thấp. Do vậy, nếu tăng thêm một tuyến đường sắt thì năng lực khai thác sẽ tăng gấp đôi hiện tại.