1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Thăng: Đừng câu nệ chuyện hàng nghìn doanh nghiệp phá sản

(Dân trí) - Nhận định đây là thời điểm tốt nhất để loại bỏ những doanh nghiệp tụt hậu, yếu kém, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, không nên câu nệ về con số doanh nghiệp phá sản, vì đó là kết quả tất yếu của những doanh nghiệp không thích nghi được với điều kiện mới.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chê việc bố trí vốn tín dụng không đồng đều, để dồn ứ vào cuối năm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chê việc bố trí vốn tín dụng không đồng đều, để dồn ứ vào cuối năm.

Nói về nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương ngày 24/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, bên cạnh việc phân bổ nguồn lực theo trung hạn và dài hạn thì mấu chốt là phải tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Nhập khẩu điều nguyên liệu tăng gấp đôi

Ông Kim Jong-un kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu


Ông cho rằng, chỉ có thể cổ phần hóa mới thay đổi được tình hình hiện nay. Theo Bộ trưởng, trong quá trình tái cơ cấu, không nên quá câu nệ về con số doanh nghiệp phá sản lên tới hàng chục nghìn hay hàng trăm nghìn.

Số liệu do Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Bộ trưởng Thăng phân tích: “Kể cả khi nền kinh tế phát triển rất nhanh, rất mạnh thì việc các doanh nghiệp phá sản cũng là chuyện bình thường. Nếu doanh nghiệp không thích ứng được với những thay đổi của mô hình tăng trưởng mới, không đáp ứng được yêu cầu phát triển mới thì buộc phải phá sản thôi!”. 

Do đó, theo nhận định của ông, “đây chính là lúc tốt nhất để loại bỏ những doanh nghiệp không còn phù hợp với nền kinh tế mới. Chứ nếu tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp mà vẫn cứ duy trì những doanh nghiệp kiểu cũ thì tái cơ cấu sẽ không thành công”.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải đánh giá rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp phá sản đúng là một phần do kinh tế khó khăn, nhưng đây cũng là hệ quả tất yếu khi doanh nghiệp không thích ứng được thì phải chấp nhận hy sinh.

Ông cũng đề xuất, phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế, sớm hoàn thiện Luật phá sản trước tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn “chết” cũng không “chết” được.

Bổ nhiệm cán bộ không tốt thì không tái cơ cấu được

Ghi nhận các đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, trong năm 2014, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải được đẩy mạnh hơn nữa.

“Tôi đề nghị tập trung tái cơ cấu DNNN. Doanh nghiệp nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, phải thực hiện kiên quyết” – người đứng đầu Chính phủ yêu cầu. Theo Thủ tướng, với các DNNN không cần thiết nắm giữ thì phải kéo tỷ lệ sở hữu vốn xuống thông quá bán vốn, nhưng không có nghĩa là bán tràn lan, để sở hở và gây thất thoát tài sản.

Thủ tướng cũng cho rằng, để thay đổi cần chú trọng đến yếu tố con người. Trong bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là tại những vị trí chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc phải là những nhân sự giỏi. “Nếu bố trí Chủ tịch, Tổng Giám đốc không tốt thì không tái được gì hết” – Thủ tướng khẳng định.

Thậm chí, Thủ tướng yêu cầu, nếu cán bộ lãnh đạo của DNNN không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, muốn xây dựng được một nền kinh tế thị trường phải có môi trường cạnh tranh bình đẳng. Với những DNNN làm nhiệm vụ công ích, chính trị, không đặt trong thị trường  thì hoạch toán riêng và công khai minh bạch.

Cũng trong Hội nghị lần này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc lại một khẩu hiệu quen thuộc của thời kỳ trước đó là “quyết tâm hoàn thành kế hoạch từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu”. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, việc dàn vốn và triển khai kế hoạch hiện nay lại chủ yếu dồn lại cho thời điểm cuối năm.

“Sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo, tăng trưởng tín dụng đến nay là 9,5%, cả năm trên 10%, nhưng lại dồn vào tháng 12 nên góp vào tăng trưởng ít, không tác dụng mấy. Sử dụng tiền dồn ép như vậy sẽ khó có hiệu quả, nên khi dùng tiền phải dàn đều, đảm bảo đạt tiến độ giải ngân, đảm bảo hoàn thành công việc” – Bộ trưởng góp ý. 

Ông đề nghị, phải làm sao để ngay từ tháng 1, tất cả đều đã bắt đầu triển khai nhiệm vụ nêu trong nghị quyết, cụ thể hóa các chính sách, đề chính sách phải đi vào cuộc sống, từ đó mới tháo gỡ được các khó khăn. 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm