Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Kết quả chấm điểm bộ "có nhiều vấn đề"

(Dân trí) - Trước kết quả “đội sổ”, Bộ trưởng TNMT Nguyễn Minh Quang cho rằng, đó mới chỉ là ý kiến một phía và cơ quan này cảm thấy không hài lòng với cách làm của “Ban giám khảo”.

Nhân Hội nghị Tổng kết công tác năm 2011 và Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang đã dành thời gian trao đổi với báo chí một số vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm thời gian gần đây.
 
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Kết quả chấm điểm bộ "có nhiều vấn đề" - 1

Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang (ảnh minh họa).
 
Thưa Bộ trưởng, ngày 28/12 vừa qua, theo kết quả “chấm điểm” các Bộ ngành Chính phủ được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Bộ TNMT chỉ đạt điểm điểm số thấp nhất. Là người đứng đầu ngành, ông có suy nghĩ gì?
 
Việc lấy ý kiến của các đối tượng nước ngoài, tôi thấy đó là cần thiết và là một kênh để xem xét. Song để phản ánh về kết quả, tôi thấy có rất nhiều vấn đề.

Ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi rất tôn trọng. Nhưng ngược lại, những doanh nghiệp được hỏi liệu mức độ họ hiểu về vấn đề như thế nào? Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn như về các văn bản pháp luật, được Bộ xây dựng và xử lý ra làm sao…

Trên thực tế, có rất nhiều điều phức tạp, không hề đơn giản. Chẳng hạn như quan hệ giữa Bộ và doanh nghiệp trong vấn đề đất đai, khoáng sản, môi trường…tất cả đều tạo ra những tác động.

Với chức năng quản lý nhà nước, rõ ràng, Bộ thực hiện các nhiệm vụ theo đúng luật định. Do đó, chúng tôi cũng mong muốn có những đánh giá từ phía doanh nghiệp thật khách quan.

Tất nhiên, ý tôi cũng không phải nói là kết quả vừa rồi không khách quan. Nhưng sau khi VCCI lấy kiến của các doanh nghiệp thì cũng nên có sự trao đổi giữa hai bên. VCCI có thể nêu các vấn đề với Bộ và Bộ sẽ có những phản hồi trở lại, để làm thế nào có được sự đồng thuận hơn.

Tôi cho rằng, đó mới chỉ là ý kiến một phía, còn về phía Bộ, chúng tôi cũng thấy không thoải mái lắm.

Dư luận hẳn sẽ cho rằng “Bộ Tài nguyên chắc là yếu kém lắm”, nhưng thực tế không phải như vậy.

Ý kiến phản ánh bên VCCI đã đưa ra như thế, vậy phía Bộ TNMT có xem lại mức độ chính xác của thông tin không, thưa Bộ trưởng?

Có chứ, tôi đã giao cho đồng chí Thứ Trưởng Trần Hồng Hà cùng với Vụ Pháp chế của Bộ để làm việc với VCCI.

Vậy, thưa Bộ trưởng, nếu tồn tại những mặt hạn chế như phía VCCI đã nêu thì Bộ dự kiến có hướng rà soát điều chỉnh gì không?
 
Có. Việc đó chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét. Nếu đúng hạn chế có như thế thì mình phải sửa, tập trung rà soát và sửa đổi. Mục tiêu cuối cùng là quản lý nhà nước phải tốt hơn, cũng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật.
 
Hoạt động“chấm điểm” các Bộ với chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) được VCCI tiến hành trên 14 Bộ có liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.
 
Tuy nhiên, tất cả các Bộ đều chỉ đạt điểm trung bình (từ mức 51,37 - 59 điểm).

MEI 2011 không khảo sát doanh nghiệp mà chỉ khảo sát hiệp hội, vì đại đa số doanh nghiệp ít có cơ hội làm việc trực tiếp với các Bộ và được công bố sau 6 năm tiến hành khảo sát chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trong năm nay, Bộ có những hoạch định như thế nào để xử lý hiện trạng ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp?
Hiện nay kinh tế nước ta có thể gọi là “tương đối phát triển”, với mức thu nhập trung bình thấp trên 1.000 USD/người. Do vậy, sau khi đạt được mục tiêu đó rồi, chúng ta cũng phải nhìn lại. Và theo tôi, vì mục tiêu tăng trưởng mà trong thời gian qua, vấn đề môi trường phần nào đã bị coi nhẹ.
 
Có rất nhiều bất cập về môi trường trong lĩnh vực sản xuất. Đối với làng nghề, vừa rồi Quốc hội đã có giám sát. Phải nói là ở các làng nghề, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Rồi có những hoạt động khác, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ô nhiễm cũng rất nặng nề.

Quan điểm của Bộ là cấp phép cho các hoạt động công nghiệp phải được gắn với các đánh giá tác động môi trường. Sau đánh giá, doanh nghiệp phải đảm bảo được yêu cầu theo quy định thì mới có thể hoạt động và thực hiện được đầu tư.

Thưa Bộ trưởng, về sửa đổi Luật đất đai, cụ thể trong năm 2012 sẽ tập trung vào những khía cạnh nào?
 
Luật Đất đai sẽ sửa đổi sau khi Tổng kết Nghị quyết 26. Còn theo tôi thấy, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các vấn đề nổi cộm.

Chẳng hạn về Nghị định 69 liên quan đến lợi ích của Nhà nước, của người có đất và của các doanh nghiệp. Người dân thì họ đồng tình về mức hỗ trợ di chuyển từ 1,5 đến 5 lần.

Thế nhưng các địa phương và các doanh nghiệp đang phải thỏa thuận với các gia đình có đất, thì họ lại cho rằng mức hỗ trợ đó là cao quá.

Rõ ràng, khía cạnh này theo chúng tôi thấy còn phải bàn bạc. Tình hình hiện nay, rõ ràng là phần lợi ích của ba đối tượng này chưa được hài hòa. Doanh nghiệp có lẽ là được nhiều hơn.

Còn về lĩnh vực khoáng sản, Bộ trưởng có thể cho biết về kế hoạch thời gian tới?

Chúng tôi hy vọng trong tháng 1 hoặc sang tháng 2, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị có nội dung tương đối toàn diện trong cấp phép thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản.

Lấy ví dụ, vấn đề Titan đang khá “nóng”, nhất là tại địa bàn các tỉnh miền Trung, chủ trương của Chính phủ sắp tới sẽ dừng khai thác và xuất khẩu thô. Ngay cả những cơ sở hiện vẫn đang khai thác thì sắp tới sẽ phải dừng và san lấp lại, coi như đó là tài nguyên mà chúng ta dự trữ. Sau này, về lâu dài, chúng ta sẽ thăm dò, khai thác theo quy hoạch và chế biến sâu.

Nói tóm lại, trong nhiệm kỳ này, vấn đề quản lý khoáng sản sẽ được làm rất chặt chẽ theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bích Diệp (ghi)