Bộ trưởng Tài chính nói gì trước đề nghị tăng bội chi, nới trần nợ công?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Phát biểu làm rõ thêm ý kiến các đại biểu qua phiên thảo luận, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh các chính sách tài khóa sẽ được điều hành linh hoạt.

Bộ trưởng Tài chính nói gì trước đề nghị tăng bội chi, nới trần nợ công? - 1

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) thảo luận tại hội trường (Ảnh: Quốc Chính).'

Thảo luận tại phiên chiều 9/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh đến các giải pháp thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đại biểu Sơn đề nghị sớm xử lý triệt để những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc gia, mạng lưới logistics; tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế phải nhất quán với quan điểm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Thứ hai theo đại biểu Sơn, cần phát huy sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường thông qua việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính do sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu nhất quán giữa các quy định liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đầu tư tư nhân.

"Chúng ta cần những gói hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp, những hộ sản xuất kinh doanh đang khó khăn về tài chính nhưng giải pháp căn cơ để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, giúp doanh nghiệp phục hồi và tái cơ cấu vẫn phải là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thông mọi điểm nghẽn về thủ tục hành chính", đại biểu Sơn nói.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022. Ông Sơn cũng đề nghị sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm "vốn mồi" để thu hút đầu tư xã hội.

Trong đó, cần rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

"Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hằng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ, khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát", đại biểu Sơn nêu quan điểm.

Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cũng cho rằng cần tăng thêm mức bội chi ngân sách. Hiện nay, bội chi ngân sách năm 2021 là gần 344.000 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373.000 tỷ đồng, tăng 29.000 tỷ đồng cũng bằng khoảng 4% GDP.

Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 bằng khoảng là 526.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 304.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng. Vì vậy đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét tăng bội chi ngân sách thêm khoảng 100.000 tỷ đồng vì cũng bằng khoảng 1% GDP để có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu nêu trên mà ngân sách nhà nước vẫn được giữ trong giới hạn an toàn. 

Phát biểu làm rõ thêm ý kiến các đại biểu qua phiên thảo luận, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh các chính sách tài khóa sẽ được điều hành linh hoạt.

Theo Bộ trưởng Tài chính, giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, thì giai đoạn 2021-2025 dự kiến vay 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.

Nợ công vào năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, có nghĩa nợ công đến năm 2025 theo đánh giá khoảng 45,6% GDP, nhưng là GDP cũ. Nếu tính theo GDP mới, là 57,9%, tức là vượt ngưỡng 55%. Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8% nhưng nếu đánh giá theo GDP cũ là 53,1%, có nghĩa cũng vượt ngưỡng là 45%.

Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính cho biết rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và sẽ giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy, trong các giai đoạn chúng ta vẫn đảm bảo được mục tiêu đề ra.

"Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, 2 năm là 40.000 tỷ đồng. Nếu hỗ trợ 5 năm thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Sau đó, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm bội chi cho giai đoạn sau", Bộ trưởng Tài chính thông tin.