Bộ trưởng Tài chính: Cứ 4 doanh nghiệp thành lập thì 3 đóng cửa, phá sản

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, ước tính, cứ thêm 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp trong năm nay cũng bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Tài chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh MOF)
Bộ trưởng Tài chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh MOF)

Báo cáo tại phiên họp tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm nay thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 92,3% dự toán, từ khu vực doanh nghiệp FDI ước đạt 95,1% dự toán, ngoài quốc doanh ước đạt 97,2% dự toán.

Theo Bộ trưởng, thu từ cả 3 khu vực doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, cả 3 khu vực này đều được giao dự toán khá cao. So với năm 2016, dự toán khu vực DNNN tăng 8,8%, doanh nghiệp FDI tăng 22,9%, ngoài quốc doanh tăng 23,8%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

"Do đó, dù không đạt dự toán nhưng mức thực hiện vẫn là tích cực và có sự tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là dù kinh tế khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Ước tính, cứ thêm 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu từ khu vực này cũng bị ảnh hưởng", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Ngoài khoản nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ, còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự, ... lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 32,8%.

"Đáng chú ý, theo thống kê có tới hơn 600.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có toà tuyên bố phá sản mà thực tế doanh nghiệp chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra toà để phá sản", ông Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích theo từng nhóm, từng địa bàn để đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý, bởi việc để khoản nợ đọng lại theo dõi cũng không còn có ý nghĩa.

Về điều hành cân đối ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2017 là năm đầu tiên trong 10 năm qua bội chi được đảm bảo trong dự toán, cả ở con số tuyệt đối và tương đối.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đánh giá "nhẹ nhàng hơn nhiều" khi nói về nợ công. Theo Bộ trưởng, đến cuối năm nay nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia vẫn trong giới hạn, nợ công được giữ trong khoảng 62,6%, dưới mức trần 65%, thậm chí còn giảm, cơ cấu chuyển biến rất tích cực.

"Cụ thể, năm 2011, cơ cấu nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%. Đến nay, tỷ lệ này đảo ngược khi nợ nước ngoài chỉ chiếm 39%, trong nước chiếm 60%", Bộ trưởng cho biết.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) vừa qua, đề xuất thảo luận về quản lý nợ công và cơ cấu ngân sách trong tình hình kinh tế biến động của phía Việt Nam đã được cả 21 nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế quan tâm, hưởng ứng. Các nước đều coi đây là việc hệ trọng của tất cả các quốc gia. Ngay với những nước phát triển có nợ công cao tới 200% như Nhật Bản, tỷ lệ nợ nước ngoài cũng chiếm đến 100%, do đó việc kiểm soát chủ động hơn.

Phương Dung