Bộ trưởng Tài chính: Chứng khoán Việt đang trong giai đoạn rất tốt
(Dân trí) - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn rất tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng nay (2/6), phát biểu tại hội trường tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao thị trường vốn của Việt Nam (gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường phái sinh).
Theo ông, thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm rồi. "Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn, kênh đầu tư trung và dài hạn", Bộ trưởng khẳng định.
Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. Bình quân giao dịch một ngày trên 26.000 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu, bên cạnh trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực, số liệu của Việt Nam vẫn còn thấp, tuy nhiên, ông Phớc cho rằng đây lại là tiềm năng phát triển của thị trường.
Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 10% trên vốn tín dụng của các ngân hàng (khoảng 13 triệu tỷ đồng).
"Thị trường chứng khoán của chúng ta thời gian qua có thể nói là rất tốt để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Còn về một số vụ việc sai phạm, đây là sai phạm so với Luật Chứng khoán và với các Nghị định liên quan mà Chính phủ ban hành", Bộ trưởng nhìn nhận.
Lãnh đạo Bộ Tài chính lấy dẫn chứng các sự việc thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối khách hàng… đều đã được cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Còn về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đã có những thông báo, cảnh báo về rủi ro trên thị trường vốn cho người dân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin rằng thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt. Sắp tới, Bộ Tài chính trình Chính phủ để ban hành Nghị định nhằm nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, đồng thời, kiến nghị sửa Luật Chứng khoán theo hướng siết doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
Trước đó, trong ngày 1/6, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đặt câu hỏi liệu có dòng tiền rẻ từ Ngân hàng Nhà nước bơm ra, một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung. Ông cho rằng hệ lụy là toàn thị trường tài chính - tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng tích tụ rủi ro.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp.
Do đó, cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó; doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.
Việc rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này, theo đại biểu, tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, đồng thời cũng để không xảy ra "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn.