Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì khi phải cách ly vì Covid-19?

(Dân trí) - Những ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến giá vàng, dầu, chứng khoán tuần qua đều lao dốc không phanh. Không những thế, Covid-19 còn khiến một Bộ trưởng phải cách ly.

Bộ Công Thương: Không tăng giá điện, tạm hoãn công tác nước ngoài

Bộ Công Thương vừa có chỉ thị về các giải pháp cụ thể nhằm phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước những tác động từ dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá như giá điện.

Bộ này cũng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan được giao rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, báo cáo đề xuất với lãnh đạo Bộ để xem xét, tạm hoãn tất cả các chuyến công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi học tập, trao đổi, công tác nước ngoài trong thời điểm hiện tại (nhất là những nước và vùng lãnh thổ có dịch), trừ các sự kiện đặc biệt hoặc hội nghị quan trọng phải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Đối với các đoàn đã hoàn thành chuyến công tác nước ngoài thì rà soát địa điểm, thời gian, đối tượng làm việc để báo cáo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Tôi ổn! Hết cách ly, tuần sau tôi sẽ đi làm"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì khi phải cách ly vì Covid-19? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Lê Tiên)

Trả lời phóng viên báo Dân Trí chiều ngày 12/3, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - người ngồi ghế 1A cùng hạng thương gia với bệnh nhân dương tính với Covid-19 tên N. (Phường Trúc Bạch, TP Hà Nội) ở ghế số 5K - cho biết: “Tôi ổn, không có vấn đề gì cả? Thời hạn cách ly của tôi là hết ngày 16/3. Hết cách ly tôi sẽ đi làm bình thường”.

Khi được hỏi ông có biết những tin đồn thất thiệt về cá nhân ông cũng như các cán bộ của Bộ KH&ĐT, ông Dũng nói giọng chậm rãi, rành rọt: “Lúc này phải nghe kênh thông tin chính thức, tôi mong mọi người không nên tin vào những lời đồn thiếu căn cứ”.

Theo ông Dũng, bản thân biết đang nhận được sự chú ý của dư luận sau khi nhiều người trên chuyến bay cùng bệnh nhân N dương tính với Covid-19, nên sẵn sàng trao đổi cởi mở dù trong điều kiện cách ly.

Trước những tin đồn về tình trạng sức khỏe của một số cán bộ Bộ KH&ĐT, ông Dũng khẳng định: “Tin đồn rất bậy bạ, Bộ KH&ĐT vẫn hoạt động bình thường, tôi được báo cáo công việc hằng ngày và giao việc, điều hành từ xa”.

“Không có vấn đề bất thường xảy ra ở Bộ cả”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ai chịu trách nhiệm “bỏ lọt” khách nhiễm Covid-19 qua cửa khẩu hàng không?

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao hành khách nhiễm Covid-19 “lọt” cửa khẩu hàng không Nội Bài? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng và hãng vận chuyển như thế nào? 

Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (HKQT) cho biết: Theo quy trình, khi xuống máy bay, đặc biệt là những chuyến bay quốc tế về từ vùng dịch, hành khách sẽ qua bộ phận kiểm dịch (thuộc Trung kiểm soát bệnh tật Hà Nội - CDC Hà Nội). Tại đây, cơ quan kiểm dịch y tế sẽ đo thân nhiệt và kiểm soát việc khai báo y tế.

“Sau khi đi qua khâu kiểm dịch, hành khách sẽ tới bộ phận kiểm soát xuất-nhập cảnh, công tác này do lực lượng của Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an thực hiện. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, hành khách lấy hành lý ký gửi và ra về” - lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài thông tin.

Liên quan đến trách nhiệm của hãng hàng không trong việc kiểm soát hành khách nghi nhiễm dịch, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Việc của hãng hàng không chỉ là vận chuyển hành khách. Hãng hãng không không có năng lực kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh, đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan kiểm soát dịch tễ tại các sân bay đi/đến.

Trường hợp phát hiện hành khách trên tàu bay có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay để thông báo kịp thời cho người khai thác cảng hàng không-sân bay phối hợp, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa, cách ly y tế.

Vietnam Airlines không vận chuyển khách châu Âu về Việt Nam từ 15/3

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì khi phải cách ly vì Covid-19? - 2

Từ ngày 15/3, các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) về Việt Nam sẽ không chuyên chở hành khách.

Hãng hàng không Việt Nam duy nhất khai thác các đường bay giữa Việt Nam và châu Âu cho biết đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, các chuyến bay khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu vẫn được hãng phục vụ bình thường để hành khách châu Âu trở về nước.

Vietnam Airlines đang làm việc với các cơ quan chức năng để các chuyến bay ngày 14/3 từ London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) về Việt Nam khai thác bình thường nhưng hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn, Cần Thơ và thực hiện cách ly hành khách.

Nhằm hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay giữa châu Âu và Việt Nam, Vietnam Airlines sẽ miễn lệ phí đổi hành trình hoặc đổi ngày bay cho hành khách đã mua vé nếu có yêu cầu. 

Giá xăng trong nước sắp điều chỉnh mạnh, có thể về mức 15.000 đồng/lít

Theo chu kỳ, ngày 15/3 sẽ rơi vào kỳ điều chỉnh xăng dầu để cập nhật giá mới, tiệm cận về giá thế giới. Tuy nhiên do rơi vào ngày nghỉ nên việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển vào thứ hai (ngày 16/3).

Theo dữ liệu Bộ Công Thương, trong 15 ngày qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ mới có xu hướng giảm mạnh so với chu kỳ 15 ngày trước và trong khoảng thời gian dài trở lại đây.

Ngoài thông tin về đại dịch Covid-19, giá dầu lao dốc do thông tin các cường quốc dầu mỏ thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác.

Khi giá thế giới lao dốc, giá xăng trong nước kỳ vọng sẽ điều chỉnh mạnh theo. Mức giảm có thể xấp xỉ mức 2.000 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng RON 92 và RON 95 sẽ dao động ở mức 16.000 đồng/lít.

Tương tự, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, mazut cũng sẽ có mức giảm khá mạnh. Cách đây bốn năm, khi giá dầu rớt xuống 44 USD/thùng, giá xăng Việt Nam cũng có thời điểm điều chỉnh mạnh về mức 15.000 đồng/lít.

Giá vàng rơi tự do, có lúc mất tới 60 USD/ounce

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì khi phải cách ly vì Covid-19? - 3

Chốt phiên giao dịch 12/3, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 46,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 47,3 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của Công ty SJC chốt phiên ở mức 46,9 triệu đồng/lượng - 47,5 triệu đồng/lượng.

Lúc 7h ngày 13/3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng nhẹ 2,3 USD, giao dịch ở mức 1.577,7 USD/ounce.

Đêm trước đó, giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc mạnh và chọc thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.600 USD/ounce. Trong phiên, có thời điểm giá vàng giao ngay giảm mạnh tới 60 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trong khi đó giảm 53 USD, xuống còn 1.588 USD/ounce.

Giá vàng giảm trong bối cảnh thị trường tài chính hoảng loạn, với các chỉ số chứng khoán của Mỹ rớt sâu và đã phải tạm ngưng giao dịch.

Cơn hoảng loạn tháo chạy khỏi chứng khoán, 19 năm có một!

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch rất bất lợi. Riêng phiên đầu tuần, VN-Index đã đánh mất 55,95 điểm tương ứng 6,28% còn 835,49 điểm - mức thiệt hại được cho là sâu kỷ lục trong vòng 19 năm qua của thị trường chứng khoán. Vốn hoá sàn HSX theo đó “bốc hơi” 191.271 tỷ đồng và rớt khỏi mốc 3 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm 7,31 điểm tương ứng 6,43% xuống còn 106,34 điểm và UPCoM-Index giảm 2,97 điểm tương ứng 5,37% còn 52,44 điểm trong phiên 9/3.

Trong phiên này, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm: Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 5%; Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,23%; Shanghai SE Composite giảm hơn 3%; Kospi của Hàn Quốc giảm 4,19%; Straits Times của Singapore giảm 6,03%; Stock Exch of Thai Index của Thái Lan giảm tới 7,96% …

Ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ, vừa mở cửa phiên thì Dow Jones đã mất tới 1.800 điểm còn S&P 500 mất 7% giá trị, khiến thị trường đã bị kích hoạt chế độ “ngắt mạch” và phải tạm dừng giao dịch trong 15 phút trước áp lực bán tháo quá mạnh.

Thị trường chứng khoán bị tác động tiêu cực do sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, các chỉ số chứng khoán thế giới và giá dầu đang lao dốc mạnh.

Mai Chi (tổng hợp)