Bộ trưởng Huệ: “Tôi đang lắng nghe ý kiến về Thuế Thu nhập cá nhân”
(Dân trí) - “Tất cả mọi phương án của Luật thuế TNCN đang đặt trên bàn để bàn và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục bàn, để trình thường trực Chính phủ trong tháng 6 tới”, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói bên hành lang Quốc hội ngày 31/5.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hiện đã lỗi thời, không phản ánh sát tình hình thực tế và kiến nghị Bộ Tài chính nên sớm điều chỉnh. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, cập nhật tình hình về đời sống, lạm phát, khó khăn của doanh nghiệp để trong kỳ họp tháng 6 có thể trình Chính phủ xem xét, rồi báo cáo lên Quốc hội. Những chính sách mà chúng tôi đang nghiên cứu gồm thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…
Về Luật thuế TNCN, nếu cuối năm nay cho ý kiến, kỳ sau mới thông qua, lúc đó, Luật sẽ có hiệu lực sau 6 tháng ban hành. Nếu Luật này tạo được sự đồng thuận cao, có thể thông qua ngay trong một kỳ thì có thể thực hiện sớm hơn.
Theo Bộ trưởng, có biện pháp gì để thúc đẩy sớm Luật Thuế TNCN không?
Mọi đề xuất phải dựa trên cơ sở diễn biến thực tế. Ví dụ như khi chúng ta đưa ra gói giảm, giãn thuế…lạm phát lên tới hơn 20%, nhưng trong điều kiện hiện nay, lạm phát từ đầu năm tới nay đã được kiểm soát dưới 3%. Tuy mặt bằng giá vẫn còn cao, nhưng biện pháp đó với tình huống như bây giờ thì có khác.
Hiện có thông tin cho rằng, Bộ Tài chính đã có đề xuất lên Chính phủ phương án nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng/tháng?
Tất cả mọi thứ đang đặt trên bàn để bàn và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp tục bàn, để trình thường trực Chính phủ trong tháng 6.
Điều này có nghĩa là, người lao động vẫn có cơ hội được hưởng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng?
Việc tỷ lệ động viên và khoan sức dân không chỉ ở mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh mà còn tính đến cả giãn biểu thuế. Như vậy, một phần bậc thuế đáng lẽ phải nộp ở bậc cao giờ được chuyển xuống nộp ở bậc thấp. Cho nên người dân có thu nhập được hưởng cả ở hai nơi nên chúng ta sẽ giảm sức dân, giảm động viên ngân sách cả ở giảm trừ gia cảnh, cả ở giãn các khoảng cách của các biểu thuế.
Theo đánh giá của Bộ trường, phương án nâng mức khởi điểm chịu thuế sẽ có tác động thực tế đến số đông người có thu nhập như thế nào?
Tôi đã nói sau khi dự án Luật này trình Chính phủ, tôi sẽ trao đổi cặn kẽ và thấu đáo về chuyện này. Bản thân trong giới chuyên môn cũng chưa hiểu một cách thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh? Giảm trừ gia cảnh không phải là mức để đảm bảo đời sống tối thiểu, mà phần còn lại sau khi đánh thuế mới là đảm bảo đời sống. Cho nên sau khi Luật này được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội, tôi sẽ nói cặn kẽ và toàn diện.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Về Phương án miễn thuế GTGT cho một số đối tượng chưa được Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội ủng hộ, Bộ trưởng Huệ cho biết: “Riêng thuế GTGT trong cân đối ngân sách vào khoảng 245.000 tỷ - 246.000 tỷ đồng, chưa kể thuế GTGT của nhập khẩu. Nếu đề xuất miễn 50% số thuế này, thì lập tức thu ngân sách giảm ngay 130.000 tỷ đồng - 135.000 tỷ đồng, chúng ta lấy gì để chúng ta bù? Trong khi, chúng ta không cắt được khoản chi nào khi Quốc hội đã quyết định và bội chi cũng đã có quyết định. Đề xuất giảm thuế GTGT để giảm giá một số mặt hàng nào đó, nếu thực hiện sớm hơn lộ trình giảm thuế TNCN thì cũng phải nghiên cứu kỹ trên cơ sở cập nhật tình hình và đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Bởi vì cân đối ngân sách năm nay dựa trên cơ sở các chính sách từ năm ngoái xây dựng. Nếu năm nay đưa vào các khoản giãn, giảm, miễn… thì sẽ ảnh hưởng không chỉ đến thu ngân sách Trung ương mà còn ảnh hưởng đến thu cân đối ngân sách địa phương. Nhiệm vụ chi cũng không giảm được, thậm chí chi an sinh xã hội còn tăng lên, không cân đối sẽ dẫn đến bội chi tăng lên, mà bội chi thì Quốc hội đã khống chế rồi. Cho nên phải tính toán rất kỹ và phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước. Như giai đoạn năm 2009, chúng ta giảm thuế, nhưng thực chất là doanh nghiệp hưởng chứ người tiêu dùng không được hưởng”. |
Nguyễn Hiền