1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Công Thương: Thủy điện có những tác động tiêu cực

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Liên quan việc mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật, Bộ trưởng Công Thương cho biết “không thể phủ nhận tác động của nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng thuỷ điện”.

Chiều nay (4/11), trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các mô khác nhau với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ mét khối, chiếm 37 % công suất phát hiện nay. Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước trong phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.

“Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện, trong đó có những tác động về môi trường đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh” - ông Trần Tuấn Anh nói và thừa nhận trong giai đoạn trước kia có rất nhiều dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên và gây ra những ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng, chống mua bán, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Bộ trưởng Công Thương: Thủy điện có những tác động tiêu cực - 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Quốc Chính)

Trong giai đoạn này, Bộ trưởng Công Thương khẳng định hàng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ để báo cáo Quốc hội về độ an toàn của đập, hồ thủy điện; sự vận hành của hệ thống thủy điện và đặc biệt là trong việc tham gia phòng, chống lụt, bão và thực hiện phòng, chống thiên tai tại địa phương. 

“Năm 2016, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nhỏ nào, hoàn toàn không dự án thủy điện là sử dụng đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch, tổ chức triển khai trên thực tế đã giảm; chiếm dụng đất không vượt quá 10 ha cho 1MW” - ông Trần Tuấn Anh thông tin.

Theo đó, đã đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện 479 dự án, đưa ra khỏi quy hoạch gần 8 dự án thủy điện bậc thang các lưu vực sông và 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội.

Đối những nguy cơ thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho nhân dân, Bộ trưởng Công Thương cho rằng trong bối cảnh các công cụ, các cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ thì cũng không tránh khỏi có những câu chuyện tại địa phương.

Ông Trần Tuấn Anh dẫn lại sự cố tại thủy điện Hố Hô năm 2016 để xảy ra việc xả lũ vượt quá mức. Cơ quan chức năng đã xử lý rất kiên quyết và thu giấy phép thực hiện hoạt động tham gia hoạt động điện của dự án này và phạt sau đó, khắc phục rồi mới tiếp tục cho phép tham gia thị trường điện. 

Đối với ảnh hưởng đến lũ lụt cũng như những nguy cơ sạt lở đất, ông Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương được tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ hai lần đi thăm, làm việc tại các tỉnh miền Trung về chống lũ lụt và bão. Qua khảo sát thực tế, báo cáo của các địa phương và đánh giá của các nhà chuyên môn, cơ quan chức năng, phải khẳng định rằng lũ lụt, sạt lở gắn chặt với yếu tố trực tiếp là thời tiết và tính dị thường, cực đoan của thời tiết.

“Bộ Công Thương sẽ làm việc các địa phương và các Bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt hạn chế, những mặt tích cực, từ đó có căn cứ chính xác báo cáo Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có của thủy điện, đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên” - ông Trần Tuấn Anh cho hay.