Thừa Thiên - Huế:

Bó tay trước “làn sóng” bán cao su non

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, người dân một số xã thuộc huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã bán tống bán tháo hàng trăm ha cao su dự án nhưng chính quyền đành “bất lực” đứng nhìn vì không có chế tài xử lý.

Đúng luật, sai chủ trương (?!)

“Người dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên việc họ bán rừng cao su là phù hợp với Luật đất đai nhưng lại trái với chủ trương của dự án” - ông Lê Văn Chúng - Phó Chủ tịch xã Hương Thọ (huyện Hương Trà) nói về tình trạng dân xã này đua nhau bán rừng cao su tiểu điền thuộc dự án Đa dạng hóa nông nghiệp (ĐDHNN) chưa đến kỳ khai thác.

Theo tìm hiểu của Dân trí, hiện trên địa bàn xã Hương Thọ có 543 ha cao su (trong đó một số diện tích xuống giống năm 2004, 2005 không thuộc Dự án ĐDHNN) được cấp GCNQSDĐ cho 235 hộ chăm sóc, quản lý và khai thác.

Nhưng trong khoảng 6 tháng gần đây, người dân đã ồ ạt bán rừng cho tư thương với giá dao động từ 100 - 200 triệu/ha. Tính đến nay, theo ông Chúng, diện tích cao su bị “bán non” khoảng 50 ha cho 2 “đầu nậu” là bà Nguyễn Thị N (quê Đắc Lắc) và ông Hồ Văn T (Thừa Thiên - Huế).

Khi triển khi dự án và giao GCNQSDĐ trong vòng 50 năm cho dân, Ban quản lý dự án đã không ký bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào với người dân nên khi giai đoạn 1 của dự án kết thúc năm 2006, người dân đã đua nhau bán, khai thác mà chính quyền và ngành nông nghiệp không có căn cứ pháp lý nào để xử lý.

 

Được biết, tình trạng này không chỉ xảy ra ở xã Hương Thọ mà còn phổ biến ở nhiều xã thuộc huyện Nam Đông, Phú Lộc (TT Huế) với diện tích bị bán và khai thác non lên tới hàng nghìn ha.

Còn theo người dân, đến cả trăm ha cao su ở khu vực Khe Đầy đã được bán cho các “đại gia”. Để bán được đất cao su, người dân đã xin ứng trước tiền của khách mua mang trả cho Ngân hàng NN&PTNT huyện để lấy lại “sổ đỏ” thế chấp. Sở dĩ xã không thể có con số chính xác là vì như ông Chúng nói: “Xã không đồng tình nên người dân bán trao tay mà không cần thông qua xã”.

Theo những người trồng cao su lâu năm, một ha cao su có khoảng 500 - 550 gốc và cho khoảng 30 - 35 lít mủ/ngày. Với mức giá 9.000 đồng/lít, doanh thu của người dân khoảng 300.000 đồng/ha/ngày. Mỗi người dân sở hữu 3 - 5 ha nếu khai thác đúng cách có thể thu tiền triệu mỗi ngày. Với tuổi thọ từ 20 - 25 năm, rõ ràng cây cao su mang lại một nguồn thu lớn và bền vững hơn rất nhiều con số 100 - 200 triệu/ha bán một lần.

Một số hộ không “bán lúa non” thì thuê tư thương hoặc tự mày mò để cạo mủ dù cây chưa đủ tuổi. Diện tích cao su này bắt đầu được xuống giống từ năm 2002, 2003 và theo quy trình kỹ thuật thì cây cao su trồng được 7 năm hoặc đạt quy chuẩn (vườn có từ 65% số cây trở lên có vòng thân cách gốc 1m có chu vi từ 50cm và độ dày vỏ từ 6mm) thì mới đưa vào khai thác. Nếu khai thác không đúng cách, chỉ khoảng sau 5 - 7 năm là cây cao su lụi, hết giá trị kinh tế.

Mới đây, xã đã kết hợp với cán bộ khuyến nông của huyện và tỉnh phát hiện hộ ông Lê Thì khai thác mủ non, lập biên bản và thu dụng cụ lấy mủ. Nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện đã có hàng chục ha cao su trồng năm 2002 được đưa vào khai thác rầm rộ trong sự lúng túng của chính quyền xã.

“Người dân vì chạy theo cái lợi trước mắt mà không hiểu rằng nếu để thêm nửa năm nữa, họ sẽ có doanh thu ổn định với mức cao và duy trì mức doanh thu đó đến hàng chục năm cho một chu kỳ cao su” - ông Chúng chỉ biết trách dân.

Nguyên nhân vì đâu?

“Phân bón N-P-K năm 2002 giá chỉ 120 nghìn đồng/bao 50 kg, còn bây giờ đã tăng lên 500 nghìn/bao nhưng số tiền cho vay không thay đổi, lãi suất lại tăng lên thì chúng tôi lấy tiền đâu mà sống và chăm cho cây cao su” - ông Võ Đại Tuy (thôn La Khê Trẹm) cho biết.

Theo tìm hiểu, mỗi ha được dự án cho vay 16 triệu đồng trong 1 chu kỳ cao su. Số tiền này được giải ngân theo năm, chia làm 2 đợt. Với số tiền 1 triệu đồng, ở mức giá cũ thì người dân đủ mua 3 bao N-P-K và thuốc trừ cỏ để chăm cho 1 ha cao su theo đúng quy trình kỹ thuật.

Nhưng từ năm 2007, giá phân “đội” lên gấp hơn 4 lần, nên số tiền này thực tế chỉ đáp ứng đủ 1/3 nhu cầu. Người trong cao su cho biết, khi lượng phân bón giảm, tốc độ tăng trưởng của cây cao su chững lại trông thấy.

Thêm vào đó, lãi suất ban đầu của Ngân hàng NN&PTNT huyện chỉ là 0,81%, nhưng từ năm nay đã tăng vọt lên 1,25% nên theo cách tính lũy kế thì số nợ của người dân ngày một cao.

Bó tay trước “làn sóng” bán cao su non - 1
  

Diện tích cao su này đã được bán cho "đại gia" với giá rẻ.

Ông Trần Cho (47 tuổi), người hàng ngày phải đạp xe 20 km đường rừng để chăm 4 ha cao su, cho hay: “Với mức giá cả như hiện nay thì vốn vay dự án không đủ, tôi đã phải vay thêm ngoài hơn 10 triệu đồng để “đổ” vào cao su”. Nhu cầu bức thiết của ông Cho lúc này là được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi để giữ rừng cao su chờ ngày thu hoạch.

Tìm hiểu thì ông Cho không phải là người duy nhất phải vay giật thêm ở ngoài để nuôi rừng cao su. Ông Võ Đại Tuy (La Khê Trẹm) cũng đã đổ nợ 70 triệu đồng để giữ 6 ha cao su của mình mới được 6 năm tuổi. Nhiều gia đình khác cũng đã phải thế chấp “sổ đỏ” nhà để đợi đến ngày “đổi đời”.

Ông Chúng đánh giá: “Trong điều kiện giá vật tư tăng 4 - 5 lần, mức cho vay hiện nay không còn phù hợp. Nguồn vốn vay không thể đảm bảo công tác chăm sóc”. Ông cũng cho biết, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm (TT KN-KL) tỉnh đã làm việc với Ngân hàng NN&PTNT Bình Điền về việc tăng mức vay cho dân, nhưng đó mới là buổi làm việc không chính thức (!?).

Mặt khác, mặc dù huyện Hương Trà có chủ trương tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trừ sâu bệnh cho người dân nhưng theo ông Trần Đình Phúc, Phó Giám đốc TT KN-KL tỉnh, thì chưa thể mở lớp tập huấn do không có kinh phí. Chính vì vậy Trung tâm này chỉ có thể đưa ra những khuyến cáo kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh nhưng chẳng hiểu vì sao không đến được tay người dân.

Thực tế, ngoài những hộ phải bán và khai thác cao su non để “bóc ngắn, cắn dài”, thì nhiều hộ khác như hộ ông Lê Điện, Nguyễn Hải (La Khê Trẹm), Nguyễn Hiệp (Sơn Thọ)… đã bỏ hoang rừng cao su từ mấy năm nay, cây dại đã phủ kín cây cao su giảm nghèo.

Trong khi vai trò của xã chỉ là “tuyên truyền, vận động”, TT KN - KL cũng như Sở NN&PTNT chỉ có chức năng chỉ đạo, khuyến cáo người dân làm đúng quy trình kỹ thuật, tuân thủ chủ trương dự án, trước những khó khăn phải “ăn non” từ cao su của người dân thì cả chính quyền lẫn ngành nông nghiệp cùng bó tay cũng là điều dễ hiểu.

Hồng Kỹ