Bộ Tài chính phân trần việc giá xăng tăng

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có công văn lý giải về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, trong đó khẳng định việc giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít ngày 30/8 là do các doanh nghiệp xăng dầu lỗ 1.190 đồng/lít.

Bộ Tài chính phân trần việc giá xăng tăng - 1
Giá xăng RON 92 hiện ở mức 15.700 đồng/lít.
 
Trước một số thông tin cho rằng, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho phép giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít kể từ 0h ngày 30/8 trong khi doanh nghiệp vẫn lãi 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã có công văn “phản kháng”.
 
Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá xăng thế giới bình quân của 20 ngày (từ ngày 9/8 đến ngày 28/8) là 79,71 USD/thùng, cộng với chi phí vận chuyển, bảo hiểm… giá vốn đã lên tới 15.890 đồng/lít. “Nếu không cho phép điều chỉnh tăng giá xăng (giá xăng RON 92 giữ mức 14.700 đồng/lít), thì kinh doanh xăng lỗ 1.190 đồng/lít.
 
Chính vì vậy liên Bộ Tài chính - Công Thương chấp thuận để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít (giá xăng RON 92 từ 14.700 đồng/lít lên 15.700 đồng/lít)”, công văn số 12721 /BTC-QLG do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký ngày 9/9 nhấn mạnh.
 
Bộ Tài chính cho biết thêm: Giá xăng dầu trong nước được tính toán căn cứ vào diễn biến giá xăng thành phẩm (không phải tính theo giá dầu thô) của thị trường thế giới tính bình quân phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông hàng tồn kho tối thiểu trong nước (tối thiểu 20 ngày) chứ không tính giá theo thời điểm hàng ngày hoặc trong vài ngày.
 
Sở dĩ phải căn cứ vào giá xăng dầu thành phẩm vì nước ta nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chứ không phải nhập dầu thô về bán. Mặt khác, giá xăng dầu thành phẩm thường cao hơn giá dầu thô.
 
Bộ Tài chính cũng đưa ra công thức tính giá vốn bán lẻ xăng dầu cơ sở, theo đó giá vốn bán lẻ cơ sở được tính bằng: [giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt] nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế VAT cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) mức trích Quỹ bình ổn giá bắt buộc cộng (+) các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành của pháp luật cộng (+) Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cộng (+) Lợi nhuận định mức.
 
“Như vậy, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của giá xăng thị trường thế giới, mà còn phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam với đồng USD, chính sách điều tiết của Nhà nước phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ”, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết.
 
Theo Bộ Tài chính, từ đầu 2009 giá xăng thế giới đã biến động tăng trở lại, lẽ ra các doanh nghiệp đã phải tăng giá bán lẻ xăng trong nước ngay. Tuy nhiên, để giảm bớt tác động đến mặt bằng giá chung và kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng trong dịp Tết (thông thường chỉ số giá bán lẻ tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết nguyên đán) nên Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã lựa chọn giải pháp không tăng giá xăng trong quý I mà thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng để giữ bình ổn…
 
Chỉ từ tháng 4/2009, sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp trên, giá thế giới vẫn tiếp tục tăng, Liên Bộ Tài chính - Công Thương mới chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh 7 lần tăng giá xăng ở mức độ hợp lý theo nguyên tắc điều hành giá xăng dầu. Thời gian tới, liên Bộ tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
 
An Hạ