Bộ Tài chính đề ra 19 nhiệm vụ nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Bộ Tài chính đã đề ra 19 nhiệm vụ để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề ra 19 nhiệm vụ, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 01 ngày 1/1/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.
Cùng với đó, các quy chuẩn kỹ thuật sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh. Tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn sẽ được xây dựng; đảm bảo quy định về pháp luật dễ hiểu, dễ tuân thủ.
Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ sẽ chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện đầy đủ việc xây dựng Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và Thuận lợi hóa thương mại; sau tháng một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.
Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chỉ đạo các bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Ngân hàng Thế giới và Chỉ số Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.
Bộ Tài chính sẽ thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định của Chính phủ tại các trạm thu tiền dịch vụ đường bộ của dự án BOT theo đúng lộ trình, thực hiện kết nối điện tử giữa trạm thu giá và cơ quan thuế theo lộ trình của Bộ Tài chính; chia sẻ thông tin cho Bộ Giao thông vận tải khi cần để đàm phán với chủ đầu tư và làm cơ sở cho các nghiên cứu dự án mới.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ sẽ được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh ngặng cho doanh nghiệp. Các cán bộ, công chức được tập huấn về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ.
Quyết định nêu rõ, các hành kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân được chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải giành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các chế độ báo cáo để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước.
Các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh…
Phương Dung