Bỏ quy định cho, tặng ngoại tệ
(Dân trí) - Theo dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có người cư trú là công dân Việt Nam mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ; đồng thời dự thảo cũng bỏ “cho, tặng” trong quyền sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Theo đó, dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 160/2006/NĐ-CP sẽ ngắn gọn và có kết cấu khác với Nghị định 160, không chia thành các Chương riêng về từng lĩnh vực hoạt động ngoại hối. Sở dĩ như vậy, theo NHNN Việt Nam, vì nhiều nội dung hiện đang được quy định tại Nghị định 160 sẽ được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm đó là quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân. Cụ thể, đối với việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, dự thảo bỏ quy định cho phép người cư trú, người không cư trú là cá nhân được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để cho, tặng. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc làm này là để đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung “tiền mặt” khi thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ các đối tượng này được nhận ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (như tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, cung ứng dịch vụ ở khu cách ly, cơ quan thu phí ở cửa khẩu quốc tế, tổ chức ngoại giao thu phí visa).
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ người cư trú phải là “công dân Việt Nam” mới được gửi tiết kiệm ngoại tệ cho phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối (quy định người cư trú là “cá nhân” được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Nghị định 160 là mở rộng so với Pháp lệnh Ngoại hối).
Với quy định về thị trường ngoại tệ và cơ chế tỷ giá hối đoái, dự thảo Nghị định bỏ quy định về thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vì sau khi Nghị định 160 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước không thành lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung và cũng không có kế hoạch thành lập.
Hiện nay, giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02 hướng dẫn các nội dung liên quan đến giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng. Giao dịch hối đoái giữa các tổ chức tín dụng với nhau thực hiện theo quy định tại Quyết định số 101 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Do đó, việc thành lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung không còn phù hợp với xu thế phát triển của thị trường ngoại tệ hiện nay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Bỏ “mua hoặc bán ngoại tệ” trong “phương án can thiệp của Ngân hàng Nhà nước” để đảm bảo tính linh hoạt trong hoạt động điều hành thị trường ngoại tệ vì cơ quan này không chỉ can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua hoạt động mua bán ngoại tệ mà còn sử dụng các biện pháp khác như điều chỉnh tỷ giá, biên độ tỷ giá hoặc các biện pháp truyền thông…
Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, thì “Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 160 nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước”.
Nguyễn Hiền