1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bỏ phi thị trường để tiến tới thị trường

Theo hạn định cam kết WTO, chỉ còn chưa đầy chục năm nữa Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường.

Bỏ phi thị trường để tiến tới thị trường - 1
Cam kết WTO, Việt Nam đã từng bước mở cửa thị trường bán lẻ.
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thương mại, bày tỏ sự quan ngại khi thời hạn đã đến gần mà quá trình chuyển đổi lại không như mong đợi.

Tiếp thu chứ không bỏ!

Tại hội thảo về mô hình kinh tế do Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức vào tuần trước, vấn đề “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được đặt ra. Ông có thể cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

Về nguồn gốc, kinh tế thị trường chỉ có một bản chất thôi. Nó có những đặc điểm cơ bản, một là làm ra hàng hóa (để bán); hai là giá cả thỏa thuận; ba là những người làm ra hàng hóa phải được quyền tự chủ mà trước hết là quyền quyết định về giá cả thông qua thỏa thuận trên thị trường.

Quá trình đổi mới của chúng ta cũng chính là đổi mới từ những cái đó. Từ sản xuất hàng hóa ra để phân phối, bao cấp chúng ta chuyển đổi làm ra để bán. Ví dụ, ngày xưa lúa gạo do các hợp tác xã sản xuất được Nhà nước thu mua, phân phối cho xã hội. Khi đổi mới thì người nông dân được sản xuất để bán và bán giá nào là do họ quyết định.

Đó là một quá trình vươn đến kinh tế thị trường mà trong đó tự chủ kinh tế, tự do kinh doanh được đề cao. Kinh tế thị trường không đẻ ra chủ nghĩa tư bản mà chủ nghĩa tư bản tận dụng kinh tế thị trường để phân chia thặng dư theo cách của mình.

Với một nguồn thặng dư to lớn do mình tạo ra, kinh tế thị trường đã giúp cho chủ nghĩa tư bản phát triển vượt bậc. Đây là cái chủ nghĩa xã hội cần phải tiếp thu, kế thừa chứ không phải bỏ đi.

Vấn đề là ở chỗ áp dụng một chế độ phân chia thặng dư ấy như thế nào để mang tính nhân văn hơn, hài hòa hơn và ngay cả ở điểm này nhiều mô hình kinh tế thị trường của tư bản chủ nghĩa cũng có cái để chúng ta tiếp thu.

Vậy, theo ông mô hình kinh tế của Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới?

Phải nói thật lòng rằng chúng ta mới đi được những bước đầu tiên, tức là thiết lập được những cơ sở ban đầu của kinh tế thị trường mà thôi.

Có thể chia ra hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1986 - 2006. Đây là giai đoạn chúng ta thực hiện đổi mới, chuyển từ kinh tế bao cấp sang việc đặt những nền móng cho kinh tế thị trường với hàng loạt chính sách nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa; giá cả theo thị trường và trao quyền tự chủ cho người sản xuất.

Bỏ phi thị trường để tiến tới thị trường - 2

PGS.TS. Nguyễn Vân Nam.

Sự hình thành nền kinh tế thị trường đã tạo một sự phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là tăng trưởng kinh tế; là xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm, tăng thu nhập đầu người từ 200 USD lên 1.000 USD… Và nhờ kinh tế thị trường, chúng ta đã hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức kinh tế toàn cầu lớn, trong đó có WTO.

Giai đoạn 2 là từ 2006 trở đi. Đây là giai đoạn Việt Nam phải hoàn thiện nền kinh tế thị trường để hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu vì thực tế nền kinh tế của ta vẫn bị coi là nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ.

Gia tăng tính thị trường

Theo cam kết với WTO, Việt Nam được định hạn 12 năm, tức đến 2018 phải thoát khỏi nền kinh tế phi thị trường. Chúng ta phải làm gì?

Nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn đang rất dang dở. Ví dụ như về giá cả. Thời bao cấp giá do Nhà nước quyết định. Sau đó chuyển sang chế độ hai giá (một giá do Nhà nước và một giá theo thị trường tự do).

Từ 1989, với Nghị quyết Trung ương 6 chúng ta bắt đầu chuyển sang một giá. Hiện nay, đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ theo một giá thị trường rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng mà trước đây cho là quan trọng đến nay vẫn chưa thị trường hóa, Nhà nước vẫn định giá, duyệt giá. Chẳng hạn như xăng dầu, điện, than đá, y tế, một phần nào đó là vận tải hành khách...

Do đó, Chính phủ phải có một lộ trình, chương trình đổi mới triệt để, quyết liệt, nếu không thì khó mà thực hiện đúng cam kết. Phải rà soát từng lĩnh vực, từng mặt hàng, cái gì còn chưa thị trường, còn làm theo kiểu cũ thì phải thay đổi. Tức là phải hoàn thiện những gì ta đã có.

Một vấn đề phát sinh là có vẻ như nền kinh tế đang có dấu hiệu quay về với nhiều biểu hiện phi thị trường?

Đây quả là vấn đề đáng lo! Có những lĩnh vực hầu như chẳng tiến được chút nào cả, thậm chí còn thụt lùi, trong đó xăng dầu là một ví dụ điển hình. Mặt hàng này thoạt đầu do nhà nước định giá, sau chuyển sang giá trần rồi tiếp đó với Nghị định 55 doanh nghiệp được trao quyền định giá theo thị trường.

Năm 2008, Thủ tướng cũng tuyên bố giao quyền định giá cho doanh nghiệp nhưng thực chất đến nay vẫn không thực hiện được. Doanh nghiệp tự định giá nhưng phải đưa lên cơ quan duyệt giá, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đồng ý thì mới được đưa ra áp dụng. Như vậy, cơ chế giá hiện nay thực chất vẫn là nửa vời, thậm chí còn lạc hậu hơn cơ chế giá trần trước đây.

Tuần rồi tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội, đại diện của Bộ Tài chính có đưa ra giải pháp là Nhà nước sẽ ngồi tính chi phí giá để trên cơ sở đó tính ra giá thành xăng dầu, lúc nào vượt ra khỏi giá đó 7% thì mới cho tăng giá.

Tôi cũng như hầu hết các chuyên gia dự hội thảo đều không tán thành phương án ấy vì như vậy là quay lại Nhà nước làm hộ cho doanh nghiệp. Việc điều hành của Nhà nước không phải ngồi tính giá, việc ấy đã lỗi thời rồi của thời bao cấp rồi. Việc tính toán đó lời lỗ ra sao là của doanh nghiệp và do quy luật cung cầu quyết định.

Vậy, trong trường hợp này, theo ông vai trò Nhà nước ở đâu?

Nhiệm vụ của Nhà nước là phải cho doanh nghiệp cạnh tranh vì thị trường phải luôn gắn với cạnh tranh mới đúng quy luật. Đồng thời với việc đó, Nhà nước phải biết cách quản lý trong một thị trường cạnh tranh tự do.

Tuy nhiên, vấn đề không phải cho bao nhiêu doanh nghiệp cạnh tranh mà phải tạo cơ chế để họ cạnh tranh thật sự. Ví dụ, chỉ cần có ba, bốn công ty dịch vụ viễn thông là cạnh tranh nảy lửa rồi.

Hay như hàng không, chỉ cần có thêm một hãng hàng không Pacific Airlines là Vietnam Airlines đã bắt đầu cạnh tranh rồi. Trong khi đó, hiện có tới 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng vẫn không có cạnh tranh. Là vì toàn bộ doanh nghiệp ở đây đều là doanh nghiệp nhà nước, sinh ra nhằm mục đích chia phần miếng bánh đó thôi.

Trước đây, chỉ có Petrolimex, sau đó hàng không đẻ ra để chia phần trong lĩnh vực hàng không, quân đội chia phần mảng quân đội, một số địa phương mạnh như TPHCM, Đồng Tháp cũng tương tự, lập ra để chia phần ở địa phương mình. Tức là anh lập ra để chia phần chứ không phải lập ra với đầy đủ tư thế để cạnh tranh.

Theo Nguyễn Tấn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm