1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Bộ Nông nghiệp lo không hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017

(Dân trí) - Với chỉ tiêu tăng trưởng 3,05% mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho thời gian còn lại của năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chỉ tiêu Chính phủ giao là nhiệm vụ hết sức nặng nề!
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chỉ tiêu Chính phủ giao là nhiệm vụ hết sức nặng nề!

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, nhưng điều này chỉ là tín hiệu khả quan cho tình hình tăng trưởng của ngành chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoại trừ năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng GDP khá cao với mức 3,3% nhờ sự đột phá trong xuất khẩu thủy sản, còn lại trong 2 năm gần đây chỉ đạt 2,36% năm 2015 và 1,36% năm 2016. Vì vậy, chỉ tiêu mà Chính phủ giao ở mức 3,05% năm 2017 là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho thời gian còn lại của năm 2017.

"Thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão; Thứ hai là vấn đề thị trường, từ tháng 1/9/2017, Mỹ sẽ chính thức áp dụng luật Farm Bill sẽ khó khăn cho mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về an toàn thực phẩm của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để ổn định, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản sẽ rất cam go" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với Luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Đối với xuất khẩu tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu từ 3,2-3,5 tỉ USD. Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và thị trường nước bạn Trung Quốc sẽ được quyết liệt triển khai từ nay tới cuối năm 2017.

Năm 2017, chăn nuôi nhiều khả năng có thể đạt mức tăng trưởng 3% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn rất thấp và tình hình cải thiện thị trường rất chậm. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thời gian tới, Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành chăn nuôi để có giải pháp điều chỉnh. Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cho việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế.

Theo đó, việc rà soát lại quy hoạch và đề án tái cơ cấu phải bám sát chủ yếu vào tín hiệu và tình hình thị trường, tình hình thực tiễn sản xuất cũng như phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải bám vào 3 trục sản phẩm gồm 10 nhóm mặt hàng quốc gia xuất khẩu trên 10 tỉ USD, nhóm ngành hàng cấp tỉnh và nhóm địa phương.

Về công tác phát triển thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết cho từng ngành hàng để lãnh đạo Bộ kiểm tra cho ý kiến.

“Trước mắt, Cục phải khẩn trương phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tổ chức Diễn đàn xuất khẩu thịt gà và sản phẩm gà tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/7 và sau đó là Diễn đàn khuyến khích xuất khẩu thịt lợn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Theo Đạo Luật Farm Bill 2014, từ tháng 3/2016, cá da trơn (catfish) thuộc bộ Siluriformes (gồm cá tra, ba sa…) dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) sang FSIS (Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA). Như vậy, cá tra (kể cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Mỹ.

Thời gian hiệu lực của đạo luật này là từ tháng 3/2016, tức sau 90 ngày từ khi công bố (đầu tháng 12/2015), còn có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng, nên đến tháng 9/2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS. Thế nhưng, từ đầu tháng 3/2016, những loài cá da trơn bộ Siluriformes từ các nước, gồm cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự giám sát của FSIS. Đồng thời, từ nay đến trước ngày 1/3/2016, phía Việt Nam cần phải gửi danh sách các doanh nghiệp đang và mong muốn xuất khẩu vào Mỹ (tên, số lượng dự kiến).

Nguyễn Dương