Bơ ngâm hóa chất lừa nhau ăn, quả vải xịn dành bán sang Nhật

Nhiều người ngỡ ngàng khi biết người ta có thể khiến bơ chín đều bằng hóa chất, tem trái cây không truy được nguồn gốc, quả biwa ở Việt Nam bán đắt gấp 9-10 lần ở Nhật, còn vải thiều Việt Nam bán tại Nhật cũng ở mức siêu đắt.

Ăn cua ngất, bơ “ngậm” hóa chất

Việc một cơ sở kinh doanh trái cây ở TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sử dụng hóa chất để ngâm quả bơ nhằm làm cho bơ chín đều khiến nhiều người sửng sốt. Trước đây, cũng có một số trường hợp bị bắt quả tang dùng hóa chất để thúc chín chuối, mít, sầu riêng... Giờ đây, nhiều người ngỡ ngàng khi biết bơ cũng có thể bị "ngậm" hóa chất.


Số bơ đang ngâm hóa chất bị bắt quả tang.

Số bơ đang ngâm hóa chất bị bắt quả tang.

Thông tin về giá cua đồng cũng khiến nhiều bà nội trợ lưu tâm. Cứ vào mùa nóng, cua đồng lại khan hiếm. Mặc dù giá cua đồng hiện nay tăng thêm 50.000-60.000 đồng/kg song vẫn cháy hàng. Nhiều người Hà Nội còn chấp nhận mua cả cua ngất, cua liệt mất chân, đứt càng về làm món canh giải nhiệt trong mấy ngày nắng nóng kỷ lục.

Thông tin về tem trái cây cũng sẽ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Bởi, từ trước đến nay, nhiều người đều tin rằng hoa quả khi được dán tem là có thể yên tâm về xuất xứ, chất lượng. Nhưng theo điều tra của PV báo Dân Trí, tại các chợ đầu mối, trái cây Trung Quốc nhập về chiếm hơn 50% nhưng khi xuất ra đến tiểu thương phân phối thì chỉ toàn dán tem là hàng nhập từ châu Âu, Úc, Mỹ… Tuy nhiên, khi dùng các phần mềm truy xuất nguồn gốc trái cây kiểm tra các tem này đều không cho ra kết quả.

Bên cạnh tem trái cây, vấn đề nhãn mác hàng hóa cũng được nhiều người quan tâm. Hiện nay có rất nhiều người bán hàng hóa, thực phẩm không nhãn mác vì có nhiều trường hợp đây là hàng hóa, thực phẩm do hộ gia đình sản xuất. Song việc bán hàng hóa như thế cũng bị xử lý theo pháp luật.


Thùng hàng chữ Trung Quốc rất nhiều nhưng hàng bày bán toàn dán tem nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Úc...

Thùng hàng chữ Trung Quốc rất nhiều nhưng hàng bày bán toàn dán tem nhập khẩu châu Âu, Mỹ, Úc...

Chuyện du khách nước ngoài bị " chặt chém " từ lâu đã gây bức xúc dư luận. Nhưng đến nay, việc này vẫn chưa chấm dứt. Mới đây, một nữ du khách nước ngoài đã bị ép mua túi bánh rán với giá 700.000 đồng trên phố cổ Hà Nội. Kiểu làm ăn chụp giật này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Hoa quả “mác Nhật” đắt đỏ, hoa quả Việt xuất ngoại cũng không rẻ

Câu chuyện về giá cả hoa quả Nhật Bản bán tại Việt Nam, hoa quả Việt Nam bán tại nước ngoài đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.


Cà chua muối Hoàng gia Nhật Bản giá 1,6 triệu đồng/kg.

Cà chua muối Hoàng gia Nhật Bản giá 1,6 triệu đồng/kg.

Mấy năm trở lại đây, dòng "hoa quả vip" hay " hoa quả quý tộc " nhập khẩu từ nước ngoài đã được bày bán ở nước ta. Trong số đó, những loại hoa quả gắn “mác Nhật” được nhiều người Việt chuộng mua, dù giá siêu đắt đỏ.

Một loại cà chua có tên gọi cà chua muối Royal Nhật hay còn gọi là cà chua Hoàng gia đang được chào bán ở Việt Nam. Loại cà chua này nhìn rất giống với cà chua đỏ bán ở chợ, nhưng khi ăn lại có vị ngọt xen lẫn vị mặn của muối. Loại cà chua này được đánh giá là loại cà chua đắt đỏ nhất nhất thế giới, với mức giá đến 1,6 triệu đồng/kg. Mức giá này đắt gấp rưỡi cà chua thân gỗ, đắt gấp 3 lần giá cà chua đường Đài Loan và đắt gấp 80 lần giá cà chua đỏ. Tuy vậy, loại cà chua Hoàng gia này vẫn được giới nhà giàu Việt săn mua về ăn.

Hoa quả gắn “mác Nhật” thường có giá rất đắt, vì được xếp vào loại nông sản cao cấp. Trong khi đó, hoa quả Việt Nam thì có giá rẻ mạt. Ví dụ, một quả xoài đỏ Nhật Bản nặng chỉ từ 350-400 gram nhưng giá bán đến 1,7 triệu đồng. Nếu tính theo cân, xoài Nhật đắt gấp cả 100 lần giá xoài của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người vì ham “mác Nhật” mà bị hớ nặng, phải mua với giá rất cao so với giá trị thực của nó. Chẳng hạn, với quả biwa Nhật Bản - loại quả lạ đang gây sốt trong mùa hè này, được giới nhà giàu Việt tranh nhau mua ăn - ở siêu thị Nhật bán chỉ 440.000 đồng/kg, về Việt Nam giá đắt gấp 9-10 lần, lên tới 4 triệu đồng/kg.

Nhiều người tò mò hoa quả từ nước ngoài bất kể được nhập khẩu hay hàng xách tay về Việt Nam đều được bán với giá "trên trời" thì hoa quả Việt Nam bán ở trời Tây có giá đến đâu? Thực tế, các loại quả Việt sau khi được các doanh nghiệp nước ngoài bảo quản, đóng gói, dán tem phiếu, chúng được bán ở “trời Tây” với mức giá khó tưởng tượng.


​Biwa ở siêu thị Nhật giá khoảng 440.000 đồng/kg, về đến Việt Nam giá 4 triệu đồng/kg

​Biwa ở siêu thị Nhật giá khoảng 440.000 đồng/kg, về đến Việt Nam giá 4 triệu đồng/kg

Tại Nga, một quả khế ngọt được bán với giá 100 nghìn đồng, sấu 200 nghìn đồng/kg hay củ đậu cũng được bán với giá gấp 10 lần ở Việt Nam. Còn tại Nhật, 12 quả vải thiều Việt Nam bán ở siêu thị có giá 430.000 đồng. Mức giá như vậy khiến người nông dân Việt Nam phải mơ ước, vì giá hoa quả trong nước khá rẻ mạt.

Cũng liên quan đến giá cả nông sản , ở Quảng Ngãi, trong khi người trồng ớt đang "chết đứng" vì giá rẻ mạt (khoảng 2.000 đồng/kg), thì loại ớt xiêm rừng được bán với giá 300.000 đồng/kg, mà không phải lúc nào cũng có để mua. Loại ớt này hương vị vô cùng đặc biệt: Mùi thơm nhẹ, không nóng "xé lưỡi" như loại ớt trồng phổ biến ở đồng bằng.

Thông tin về loại một loại lẩu mới xuất hiện cũng khiến nhiều người chú ý. Được đánh giá là vừa tiết kiệm chi phí vừa tiện lợi, lẩu ly 5.000 đồng đang gây sốt trong giới trẻ TP.HCM. Nồi lẩu được thay thế bằng một chiếc ly giấy, bên trong đầy đủ nguyên liệu như: bún, mì, thịt, rau, hải sản,...

Theo: Hạnh Nguyên

Vietnamnet