Bỏ lúa, trồng ngô: Nông dân thu hàng chục tỷ đồng
Các mô hình thí điểm chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại ĐBSCL đã đem lại hiệu quả ngoạn, giúp nông dân thu về thêm hàng chục tỷ đồng. Việc gia tăng sản xuất ngô trong nước sẽ giúp giảm chi phí hàng tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm.
Hôm nay (25/10) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp, công ty Dekalb Việt Nam tổ chức hội thảo “Hoạt động khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo nhằm rà soát lại diện tích và tình hình canh tác tại địa bàn, đánh giá các mô hình chuyển đổi tiêu biểu và kế hoạch hành động nhằm nhanh chóng giúp nông dân chuyển đổi thành công theo hướng nâng cao thu nhập và phát triển bền vững.
Đứng trước khó khăn chồng chất trong sản xuất tiêu thụ lúa gạo và tình trạng liên tục nhập siêu nguyên liệu phục vụ ngành SX thức ăn chăn nuôi (TĂCN), tháng 6 năm 2013, Bộ NN&PTNT đã đưa ra chủ trương chuyển đổi 200.000 ha đất trồng lúa bấp bênh sang trồng màu. Sau 3 tháng rà soát lại toàn bộ diện tích đất canh tác lúa và thực hiện các mô hình thí điểm, chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác ngô (bắp) lai đã nổi bật lên thành điểm sáng tại khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo phối hợp thực hiện giữa TTKNQG và công ty Dekalb Việt Nam đã cho thấy hiệu quả ngoạn mục trong công tác chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp, giúp nông dân thu về thêm hàng chục tỷ đồng.. Tính riêng 3 tháng kể từ khi có chủ trương của Bộ NN&PTNT, bà con trồng bắp trung bình lãi 11 – 17 triệu đồng/ ha, gấp 2,5 – 4 lần trồng lúa. Trong thời vụ vừa qua, chỉ tính riêng hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã chuyển đổi được trên 2.200ha. Như vậy, ngay cả khi giá lúa lên cao và giá bắp xuống thấp nhất, chuyển đổi lúa sang trồng bắp vẫn giúp bà con tại hai địa phương này “lời” thêm hàng chục tỷ đồng.
Khuyến nông ĐBSCL cũng đã xuất sắc thực hiện vai trò gắn kết doanh nghiệp – nông dân và cơ giới hóa nông nghiệp. Khuyến nông cơ sở đã thành công trong việc phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và chuyển giao KHKT, đầu tư thiết bị máy móc cơ giới hóa giúp nông dân giảm chi phí và thời gian canh tác. Thiết bị làm đất và gieo hạt do công ty Dekalb Việt Nam hỗ trợ cho bà con vùng chuyển đổi đã giúp tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng chi phí và hơn 8 ngàn ngày công lao động, tính trên diện tích chuyển đổi 2.200 ha. Ông Mai Thành Phụng, trưởng Bộ phận TTKNQG tại Nam Bộ.
“Bắp và đậu nành là hai cây trồng chủ chốt nhất cho chương trình chuyển đổi vì phục vụ nhiều vấn đề. 9 tháng đầu năm 2013, chúng ta bỏ ra 2,42 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu TĂCN trong khi đó chỉ thu về 2,35 tỷ USD từ xuất khẩu gạo ra toàn thế giới. Đây là sự bất thường trong cơ chế sản xuất. Để giải quyết sự “bất thường” này, gần đây chúng tôi rất kỳ vọng vào mô hình canh tác bắp lai kết hợp cơ giới hóa của công ty Dekalb. Mục tiêu là làm sao chúng ta có thể sản xuất ra được thêm 500 ngàn tấn bắp nông sản trong thời gian sớm nhất có thể, và hướng tới mục tiêu chủ động nguồn bắp nông sản phục vụ ngành sản xuất TĂCN.”
Xét trên quy mô lớn, ĐBSCL đang được đánh giá là khu vực có ưu thế lớn nhất về canh tác bắp lai, với năng suất bắp lai trung bình gấp đôi năng suất trung bình cả nước. ĐBSCL cũng là trung tâm chế biến, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm lớn nhất trên cả nước, “vựa” tiêu thụ TĂCN, đầu ra cho cây bắp lai trong dài hạn. Công tác chuyển đổi lúa – bắp đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng để mô hình có thể nhân rộng được, về phía khuyến nông cần giải quyết hai vấn đề chính.
Về đầu vào – nghĩa là hoạt động canh tác, toàn thể khuyến nông khu vực ĐBSCL cần gấp rút làm việc rà soát lại diện tích đất lúa thích hợp chuyển đổi, lên kế hoạch tuyên truyền và đào tạo nông dân mô hình chuyển đổi tiêu biểu đã được phát triển hoàn chỉnh và chứng minh hiệu quả để nông dân sớm nắm bắt được thông tin. Về đầu ra – nghĩa là hoạt động thu mua, cần tích cực làm việc với các đơn vị thu mua, công ty SX TĂCN để DN có thông tin về chất lượng và nguồn cung bắp lai nội địa, tránh tình trạng nông dân được mùa mà DN lại đặt hàng từ nước ngoài vì thiếu thông tin.