Bộ Công Thương yêu cầu ra sao nếu thủy điện xả lũ khẩn cấp?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy thủy điện kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, cảnh giới ở các hồ đập và phải cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân ở hạ lưu nếu xả lũ khẩn cấp.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp xảy ra ở các tỉnh phía bắc, Bộ Công Thương mới đây ra công điện chỉ đạo đối với các đơn vị đang có công trình thủy điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)...

Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công điện của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó với mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Đối với các công trình thủy điện, Bộ yêu cầu đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tổ chức vớt rác lòng hồ khu vực đập và thượng lưu đập.

Trong tình huống có phát sinh vướng mắc trong quá trình vận hành, các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai để có phương án chỉ đạo điều hành phù hợp.

Các đơn vị quản lý hồ thủy điện kiểm tra, rà soát về số lượng, tình trạng hoạt động của hệ thống theo dõi, giám sát phục vụ vận hành, điều tiết lũ như: camera giám sát xả nước; thiết bị đo mực nước, lưu lượng tự động và kết nối truyền dữ liệu về ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Bộ Công Thương yêu cầu ra sao nếu thủy điện xả lũ khẩn cấp? - 1

Nhiều trẻ em tắm suối trước thời điểm Nhà máy thủy điện Suối Mu xả nước (Ảnh: Linh Linh).

Các đơn vị có hồ thủy điện phải rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống xả lũ, xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị ở các công trình điện lực và an toàn cho nhân dân, sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố xảy ra.

EVN chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý rà soát, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, các mốc cảnh báo ngập lụt; phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ; thông tin kịp thời cho hạ du trước khi điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

TKV, các doanh nghiệp ngành khai thác khoáng sản được yêu cầu chủ động kiểm tra công tác phòng chống sạt lở đất, ngập lụt ở các mỏ; rà soát kiểm tra hồ thải quặng đuôi tại khai trường, hầm lò khai thác với độ sâu lớn, phải tập trung sẵn sàng lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

Các đơn vị phải tổ chức kiểm tra, rà soát sườn dốc, xung quanh và phía sau công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, mỏ và bãi thải... để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn trong mưa lũ.

Yêu cầu trên của Bộ Công Thương được ban hành ngày 10/6. Trước đó, trưa ngày 9/6, nhà máy thủy điện Suối Mu (xã Tự Do) mở cống xả cát của đập để xả nước. Điều này dẫn tới lưu lượng nước lớn đổ dồn về hạ lưu, dòng chảy mạnh làm cho nhiều người dân và du khách đang tắm suối ở hạ nguồn hoảng loạn.

Trước thời điểm nhà máy mở cống xả nước đã phát loa cảnh báo để người dân nắm được. Tuy nhiên, vị trí phát loa báo động nằm cách xa khu vực người dân sinh sống và nơi du khách đang tắm hơn 2km, nên không ai nghe thấy.

Lãnh đạo UBND xã Tự Do cho biết, nhà máy thủy điện Suối Mu đã thừa nhận thiếu sót khi xả nước nhưng không thông báo cho người dân, đồng thời xin lỗi nhân dân cùng chính quyền địa phương và xin rút kinh nghiệm.

Dự án thủy điện Suối Mu được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 10/11/2015. Dự án có tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng, công suất lắp máy 9 MW do Công ty TNHH Văn Hồng làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn.

Nhà máy nằm trên đỉnh thác Mu, dọc hai bên suối về phía hạ lưu gần 2km có các homestay của người dân địa phương. Khu vực này nhiều năm qua thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm