1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương tiếp tục xin cho Vedan nhập khẩu than

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan làm các thủ tục thông quan để Vedan được nhập khẩu khối lượng 31.500 tấn than tại tàu cập cảng Vũng Tàu ngày 29/11.

Một góc nhà máy Vedan Việt Nam, bên dòng sông Thị Vải Đồng Nai.
Một góc nhà máy Vedan Việt Nam, bên dòng sông Thị Vải Đồng Nai.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương cho biết, mới đây Bộ này đã nhận được công văn của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam báo cáo một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục nhập khẩu than cho Nhà máy nhiệt điện của công ty.

Theo báo cáo của Vedan, để chuẩn bị nguồn than cho Nhà máy, từ năm 2015 đến nay Vedan đã và đang nhập khẩu than để phục vụ sản xuất của Nhà máy với khối lượng khoảng 31.500 tấn than/tháng.

Để giúp Vedan có đủ cơ sở thực hiện nhập khẩu than và chủ động trong quá trình chuẩn bị nguồn than đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, Bộ Công Thương đã có công văn báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Vedan được nhập khẩu than cho Nhà máy nhiệt điện của công ty này.

Bộ Công Thương cũng đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, hoàn thiện các thủ tục hải quan theo quy định để thông quan cho Vedan nhập khẩu 31.500 tấn than của 1 tàu than Vedan đã tiếp nhận tại cảng Phú Mỹ - Vũng Tàu ngày 25/10.

Tuy nhiên, đến ngày 29/11, Vedan lại tiếp nhận 1 tàu than phục vụ sản xuất với khối lượng 31.500 tấn tại cảng Vũng Tàu nhưng vẫn chưa được thông quan.

Bộ Công Thương cho rằng, hiện lượng than dự trữ trong kho của Vedan đã sắp hết, nếu công ty này không được phép thông quan để nhập khẩu khối lượng than nêu trên thì Nhà máy nhiệt điện của công ty sẽ dừng hoạt động dẫn đến toàn bộ các nhà máy sản xuất, khu văn phòng hành chính, ký túc xá của cán bộ, nhân viên công ty phải ngừng hoạt động. Các nguyên liệu sẽ nhanh chóng hư hỏng, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của hơn 3.000 công nhân.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và đảm bảo nguồn than cho nhà máy này, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan làm các thủ tục thông quan để Vedan được nhập khẩu khối lượng 31.500 tấn than tại tàu cập cảng Vũng Tàu ngày 29/11

Liên quan tới việc nhập khẩu than của Vedan, trong một văn bản mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này cho biết đã đề nghị Chính phủ cho phép Công ty Vedan Việt Nam nhập khẩu than nhắm tháo gỡ khó khăn và ổn định công việc cho khoảng 3.000 lao động. Lượng than nhập khẩu của Vedan chỉ nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất của công ty với số lượng cũng như chủng loại đã được duyệt. Theo đó Vedan sẽ không được phép bán lại than trong thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt, nhằm giảm lượng than tồn kho trong nước đang tăng cao (khoảng 11 triệu tấn), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty Vedan nghiên cứu sử dụng nguồn than sản xuất trong nước.

Trước đó như tin Dân Trí đã đưa, Công ty Formosa cũng gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan đề nghị cho tự nhập khẩu than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 tại Đồng Nai. Lý do được Formosa đưa ra là than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai.

Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện, doanh nghiệp trong nước thay vì chọn than trong nước đã trực tiếp nhập khẩu than từ nước ngoài. Trong cùng thời điểm này, ngành than cũng được phản ánh là gặp nhiều khó khăn khi lượng than trong nước tồn kho lớn, nhiều loại than có hiệu năng tương tự thì sản xuất bị ngưng trệ do không có đầu mối tiêu thụ. Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, than nhập khẩu về Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, tăng gấp gần 4 lần so với kế hoạch và tăng hơn 20 lần so với lượng than nhập cả năm 2015.

Than nhập khẩu đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt giá than từ Trung Quốc có giá cao ngất ngưởng. Đáng chú ý dù Trung Quốc là nước cung cấp than ít nhất cho Việt Nam (đứng thứ 4 trong số 4 nước cung cấp than cho Việt Nam sau Úc, Nga và Indonesia), tuy nhiên, giá than của Trung Quốc trung bình cao hơn nhiều so với các nước trên.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm