Bộ Công thương sắp trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP

(Dân trí) - Chiều nay (19/7), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Công thương đang hoàn thiện hồ sơ Hiệp định CPTPP để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Hiện nay, Trưởng đoàn đàm phán các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang có cuộc họp tại Nhật Bản. CPTPP có thể có thêm thành viên.

Trả lời về vấn đề thêm thành viên CPTPP, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

“Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP, phù hợp với các quy định của pháp luật của từng nước để sớm đưa hiệp định vào triển khai, thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, đóng góp cho tăng trưởng liên kết kinh tế khu vực.”. bà Hằng nói.

Về tiến trình thông qua CPTPP của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin, hiện Bộ Công Thương cũng đang hoàn thành nốt hồ sơ để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.

Với việc mở rộng các thành viên của CPTPP, bà Hằng cho rằng đây là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở, theo đó các nước có thể tham gia sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở có sự chấp nhận các tiêu chuẩn và được các nước thành viên CPTPP đồng thuận.

CPTPP có thể sẽ thêm thành viên mới
CPTPP có thể sẽ thêm thành viên mới

Trước đó, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định CPTPP.

Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

CPTPP chính thức được 11 nước thành viên ký kết tại Santiago – Chile hồi tháng 3 năm nay. CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…

Hiệp định CPTPP là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực, trong đó bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ quay trở lại tham gia và sự tham gia của các nước khác.

Châu Như Quỳnh