Bộ Công Thương nói gì về hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi?
(Dân trí) - Trước thông tin hóa đơn thanh toán tiền điện sinh hoạt của nhiều hộ dân tại Hà Nội tháng 3/2015 có tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với tháng trước, lãnh đạo Bộ Công Thương đã trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ chiều 27/4
Trả lời nghi vấn xung quanh cơ chế tính giá nội suy của EVN là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện trong tháng 3/2015 của nhiều hộ dân Hà Nội tăng gấp đôi, tại buổi họp báo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ không thiên vị với EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và cơ chế tính giá của EVN đều được công khai, minh bạch trên website của đơn vị này.
Về cách tính giá mới, ông Phúc nhận định, cách tích giá mới của EVN theo nội suy, ví dụ sản lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình là 500kWh/tháng sẽ được chia đều và sau đó, 5 ngày sẽ được tính theo giá cũ, 26 ngày còn lại sẽ được tính theo mức giá mới. Biểu giá tính tiền điện hiện nay có 6 bậc và mức tính giá thành điện được tiếp tục chia thành 6 bậc.
Giả sử khách hàng được ghi hóa đơn điện vào ngày 10 hàng tháng, từ 10/3 tính hóa đơn cũ đến 16/3-10/4 giá điện đã thay đổi nên có 5 ngày theo biểu giá cũ, 26 ngày còn lại theo giá mới.
Về thời tiết, theo lãnh đạo Cục điều tiết, số ngày nắng nóng tháng 3 - 4/2015 có nhiều nên các gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện hơn như máy lạnh, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ khiến lượng điện tăng.
Về khả năng cung cấp điện mùa khô ở các tỉnh phía Nam, ông Phúc chia sẻ, Bộ đã phối hợp với ban ngành chức năng đảm bảo cung cấp đủ điện trong mùa khô cho các tỉnh phía Nam. Các nhà máy thủy điện miền Bắc hiện đang đủ nước cho phát điện thời cao điểm, các dự án nhiệt điện tại miền Nam cũng chủ động các phương án để phát điện, truyền tải ra miền Bắc trong trường hợp các hồ, đập thủy điện thiếu nước.
Về phương án mua điện của Trung Quốc, ông Phúc khẳng định, Cục Điều tiết điện lực đã đảm bảo tốt việc truyền tải điện trong cả nước và hạn chế mức thấp nhất phải mua và phụ thuộc vào hợp đồng mua điện của Trung Quốc. Năm 2015, Việt Nam vẫn mua điện của Trung Quốc nhưng hạn chế mức tối thiểu trong hợp đồng đã ký giữa hai quốc gia.