Bộ Công Thương đảm bảo cung ứng đủ năng lượng cho Quốc gia
(Dân trí) - Ngày 17/1, tại TP Hội An, hội thảo giới thiệu các dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức.
Ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - nhấn mạnh, năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu của WB tại Việt Nam. Các dự án tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại lợi ích đảm bảo an ninh năng lương quốc gia; tăng cường tính cạnh tranh cho nền kinh tế, cắt giảm khí thải nhà kính...
Hiện có 3 dự án chính do WB tài trợ gồm Tiết kiệm năng lượng cho công nghiệp (102 triệu USD); thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (1,86 triệu USD) và tài chính cacbon (10 triệu USD).
Trong đó, Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với WB triển khai xây dựng dự án hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm.
Mục đích là cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia.
Dự án có tổng kinh phí 158 triệu USD, trong đó WB cung cấp trên 100 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế để hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án.
Chương trình tài chính carbon cho tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam (VE2C2P): mục tiêu hỗ trợ cắt giảm tiêu thụ năng lượng đặc biệt (SEC) ở cấp doanh nghiệp công nghệ (IE) không chỉ ở mức “nỗ lực của bản thân doanh nghiệp” mà thông qua cơ chế tài chính carbon. Quy mô dự kiến doanh thu carbon từ 10-20 triệu USD, đổi lại Việt Nam sẽ cắt giảm phát thải carbon từ 2-4 triệu tấn trong 5 năm (2018/2019-2023).
Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE): nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua huy động tài chính thương mại. Nhờ đó, dự án sẽ góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Các dự án được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi và bền vững để các doanh nghiệp công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Ông Trịnh Công Vũ - Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương - phát biểu: “Năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Để đảm bảo cung ứng đủ năng lượng cho nền kinh tế quốc dân, Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách điều hành, cung ứng đủ năng lượng cho Quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho phát triển đất nước”.
Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm.
Trong bối cảnh hiện nay khi mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong ngay thời gian trước mắt.
Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của Quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại hội thảo cũng đã giới thiệu các công ty đang phát triển, theo đuổi ngành năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cùng các dự án đã được thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực tại Việt Nam.
C.Bính-N.Linh