Bình Phước lọt top 10 dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế

(Dân trí) - Tổng sản phẩm nội tỉnh bình quân đạt 13,2%, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 18,512 triệu đồng (gấp 1,8 lần so với mục tiêu đề ra), Bình Phước lọt top 10 tỉnh/thành dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tại Triển lãm thành tựu KT - XH Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội, Bình Phước là địa phương điển hình trong khối kinh tế địa phương tham gia giới thiệu sản phẩm, thành tựu kinh tế, những nét độc đáo về văn hóa và các hoạt động xã hội đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan.
 
Tỉnh Bình Phước thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, trung tâm hành chính cách TPHCM 110 km. Bình Phước nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cùng với TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
 
Trong 5 năm (2005- 2010), triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, với trong bối cảnh có nhiều thuận lợi cơ bản về thành tựu 20 năm đất nước đổi mới, từ sau tái lập (ngày 1/1/1997), tỉnh Bình Phước đã đạt được những thành công trong phát triển KT - XH.
 
Tỉnh Bình Phước được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5.205 ha đất khu công nghiệp và đang trình bổ sung quy hoạch 18.369 ha cho khu công nghiệp.
 
Bình Phước lọt top 10 dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế - 1
Tỉnh Bình Phước trên đà hội nhập và phát triển (ảnh: Chiến Thắng)
 
Về kinh tế, Bình Phước đạt tăng trưởng cao và ổn định:tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) bình quân 5 năm đạt 13,2%; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 18,512 triệu đồng (tương đương 1.028 USD), gấp 1,8 lần so với mục tiêu đề ra.
 
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 18% lên 24,1%; Nông, Lâm, Thủy sản giảm từ 56,7% còn 47,1%; Dịch vụ từ 25,3% lên 28,8%; Thu ngân sách năm 2010 dự kiến 1.960 tỷ đồng, đạt 122,5%. Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đặc biệt là giao thông, điện, nước; việc sắp xếp đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước cơ bản thực hiện theo lộ trình và kế hoạch đề ra.
 
Nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, Bình Phước ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đất đai phù hợp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trịnh kinh tế lớn như: điều, cao su, tiêu… sản lượng xuất khẩu đứng nhất nhì cả nước.
 
Ông Trương Tấn Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng thì cần phải có chính sách đúng đắn, có những ưu đãi đầu tư, phải quy hoạch tài nguyên rõ ràng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng một cách, ngành nghề, vật liệu tốt nhất nhằm thu hút đầu tư”.
 
Được biết, tuy là tỉnh mới tái lập nhưng hiện nay Bình Phước đã thu hút được 3.000 nhà đầu tư trong nước với số vốn lên tới hơn 30.000 tỷ đồng, hơn 100 nhà đầu tư nước ngoài có số vốn đang hoạt động từ 650 - 750 triệu USD (vốn đăng ký cao gấp 3 lần vốn đang hoạt động). Bình Phước là địa phương có diện tích trồng điều và đạt sản lượng điều lớn nhất Việt Nam (diện tích 162.200 ha, sản lượng 173.500 tấn).
 
Về văn hóa, xã hội và khoa học - công nghệ, Bình Phước tiếp tục phát triển tương đối toàn diện và tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo sự cân đối trong chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; văn hóa dân tộc được bảo tồn và ngày càng phát huy.
 
Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đạt 100% chỉ tiêu đề ra, phổ cập trung học cơ sở 108/111 xã, phường, thị trấn, đạt 97,3 % chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu.
 
Từ nay đến năm 2015, Bình Phước đặt nhiệm vụ trọng tâm trên 3 lĩnh vực kinh tế; văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ; đối ngoại. Các chỉ tiêu kinh tế đặt ra: phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13 - 14%; GDP bình quân đầu người đạt 36 - 38 triệu đồng, tương đương 1.900 - 2.000 USD.
 
Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 500 triệu USD; tổng thu ngân sách đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng bình quân 15- 17%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển tòan xã hội giai đọan 2011 - 2015 khoảng 55.000 - 55.500 tỷ đồng.
 
Cùng với việc xúc tiến, Bình Phước chú trọng thu hút các dự án thứ cấp vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và các KCN đã có chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng như: KCN Đồng Xoài I, diện tích 153,49 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 tỷ đồng; KCN Tân Khai I, diện tích 113 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 148 tỷ đồng và KCN Chơn Thành II, diện tích 76 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
 
Bình Phước là cửa ngõ của vùng với Tây Nguyên và Đông Bắc Camphuchia, là giao điểm của các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL13, QL14, đường Hồ Chí Minh; trong tương lai không xa, tuyến đường sắt xuyên Á đi Bình Phước sẽ nối liền Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanma.
 
“Phát huy nội lực, tiền năng, lợi thế sẵn có, Bình Phước sẽ thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nhằm mục tiêu đảm bảo tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hiệu quả, bền vững.
 
Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình”, UBND tỉnh Bình Phước cam kết sẽ luôn sát cánh với nhà đâu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả” - ông Thiệu khẳng định.
 
Châu Như Quỳnh