Biến nợ thành chứng khoán
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra như đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một công cụ mà trước đây ít được nghe nhắc tới, trong khi nó đã được giao dịch khá phổ biến với quy mô lớn ở TTCK các nước phát triển, đó là kỹ thuật chứng khoán hóa (Securitization).
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau hơn 5 năm hoạt động đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều nhà phân tích lạc quan còn cho rằng giai đoạn 2006 - 2010 là giai đoạn TTCK VN “tăng tốc”. Vì vậy để đạt được mục tiêu này thì còn khá nhiều vấn đề phải được giải quyết mà cốt lõi nhất chính là quy mô thị trường.
Hiện nay quy mô TTCK VN là quá khiêm tốn, tổng giá trị chứng khoán giao dịch chỉ chiếm 3% GDP.
Chứng khoán hoá - Biến nợ thành chứng khoán
Một cách đơn giản, chứng khoán hóa là quá trình tập hợp và tái cấu trúc các tài sản thiếu tính thanh khoản nhưng lại có thu nhập bằng tiền cao trong tương lai như các khoản phải thu, các khoản nợ rồi chuyển đổi chúng thành trái phiếu và đưa ra giao dịch trên thị trường tài chính. Cho nên chứng khoán hóa đôi khi còn được gọi là trái phiếu hóa.
Thông thường, kỹ thuật chứng khoán hóa được thực hiện trên 2 nhóm tài sản chủ yếu đó là: (1) các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản và (2) các tài sản tài chính không được thế chấp bằng bất động sản.
Như vậy, tương ứng với hai loại tài sản trên thì sau khi được chứng khoán hóa sẽ hình thành hai loại chứng khoán là: (1) Các chứng khoán dựa trên thế chấp bất động sản (Mortgage backed securites) và (2) các chứng khoán tài sản tài chính (Asset backed secuirities), gọi tắt là ABS.
Như vậy, ABS đơn giản là các trái phiếu hoặc giấy tờ có giá (gọi chung là chứng khoán) được hình thành từ các tài sản tài chính. Các tài sản tài chính ở đây được hiểu là các khoản phải thu khác với các khoản vay có tài sản thế chấp, ví dụ như các khoản phải thu từ thẻ tín dụng, khoản vay mua ôtô, vay để xây nhà, vay để tiêu dùng cho gia đình.
Từ đó rút ra được điểm khác biệt lớn nhất giữa ABS và các loại trái phiếu khác là mức độ tín nhiệm của các nguồn thu, khả năng thanh toán của các tài sản tài chính.
Ở châu Âu, chứng khoán hóa đã “cứu” các tập đoàn viễn thông khỏi nguy cơ phá sản khi họ thực hiện chuyển các khoản doanh thu tương lai của các thuê bao cố định thành các ABS. Nhờ vậy mà các công ty này có một khoản tiền đáng kể để trang trải cho các món nợ khổng lồ, hậu quả của cuộc chạy đua tranh giành quyền cung cấp dịch vụ điện di động thế hệ 3G.
Đặc biệt là ở Hàn Quốc và Trung Quốc, chứng khoán hóa đã giúp Chính phủ các quốc gia này vừa giải quyết tốt các khoản nợ xấu và vừa bổ sung hàng hóa cho TTCK.
Triển vọng áp dụng tại VN
Hiện nay trên TTCK VN hàng hóa hầu như chỉ có các loại cổ phiếu được niêm yết, trừ chứng chỉ quỹ VF1 và trái phiếu của Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV). Cho nên có thể thấy trái phiếu doanh nghiệp dường như đã bị “bỏ quên”.
Vì vậy, áp dụng chứng khoán hóa sẽ có nhiều tác động tích cực cho TTCK VN nói riêng và cho nền kinh tế VN nói chung. Trước hết nó giúp bổ sung, làm đa dạng hóa hàng hóa giao dịch trên sàn, giúp mở rộng quy mô thị trường.
Chứng khoán hóa mở ra thêm một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, mở cơ hội tiếp cận thị trường vốn và làm giảm chi phí tài trợ lẫn tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Chứng khoán hóa tạo ra một nguồn tài trợ vốn dài hạn và có hiệu quả thông qua việc ABS có thể được phát hành với kỳ hạn dài hơn các loại tài sản liên kết so với các khoản nợ của ngân hàng hoặc các loại tín phiếu.
Ngoài ra, chứng khoán hóa còn là phương thức giúp làm tăng thu nhập của các tổ chức phát hành và là công cụ đa dạng hóa rủi ro tốt nhất.
Tuy nhiên, để có thể thực sự triển khai hiệu quả kỹ thuật chứng khoán hóa ở VN thì chúng ta còn khá nhiều việc phải chuẩn bị như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường tài chính, phát triển các thị trường phụ trợ như thị trường mua lai (Repo), thị trường các sản phẩm phái sinh (derivaties), hình thành các Tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín và năng lực.
ThS. Nguyễn Khắc Quốc Báo
(ĐH Kinh Tế TPHCM)
Báo Tuổi trẻ