Biến động giá cả 2009 và những dự báo
(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng nhẹ trở lại sau 3 tháng “âm” liên tiếp, nhiều mặt hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong năm nay, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân kém đi.
Lạm phát về mức một con số?
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2009 tăng 0,32% so với tháng 12/2008 và tăng 17,48% so với cùng kỳ năm 2008.
Chỉ số giá tiêu dùng đang từng bước "đi vào khuôn khổ".
Như vậy, CPI đã tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tục, nhưng đây là mức tăng thấp nhất của tháng 1 trong vòng 4 năm qua (tháng 1/2006 tăng 1,2%; tháng 1/2007 tăng 1,05%; tháng 1/2008 tăng 2,38% so với tháng trước).
Kinh tế toàn cầu tiếp tục sụt giảm trong năm 2009, ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhất là các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư.
Bản thân nền kinh tế trong nước cũng sẽ gánh chịu những ảnh hưởng lạm phát từ năm 2008, các cân đối vĩ mô chưa ổn định, sức cạnh tranh nền kinh tế thấp…
TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho hay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát dưới 15% mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra không dễ nhưng vẫn có thể thực hiện được; thậm chí lạm phát có nhiều khả năng lùi về một con số do sức cầu trong nước sụt giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu còn có thể kéo dài.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả của Tổng cục Thống kê, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kim ngạch nhập khẩu cao nên sự biến động của giá thị trường thế giới đã tác động sâu rộng đến giá cả trong nước.
Trong năm nay, lạm phát vẫn là yếu tố đầu tiên cần được tính đến, Việt Nam vẫn phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần.
Năm 2009, giá cả thị trường Việt Nam sẽ biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới.
Trưởng phòng phân tích dự báo giá cả thị trường của Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả Phạm Minh Thuỳ lại cho rằng: “Một quy luật rất đơn giản nhưng tất yếu của thị trường là giá cả sau một thời kỳ tăng mạnh và đứng ở mức cao sẽ tới thời kỳ giảm để trở về tái lập cân đối cung - cầu theo tương quan mới. Do đó, năm 2009, giá cả thị trường sẽ vẫn trong xu thế giảm để thích ứng với tình trạng suy thoái kinh thế thế giới được dự báo sẽ còn tiếp diễn cho tới cuối năm”.
Cần nâng cao năng lực dự báo
Dù có nhiều dự báo, nhưng 2009 vẫn là một năm đầy thử thách đối với kinh tế - tài chính Việt Nam. Suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp tới triển vọng xuất khẩu của nước ta với dự báo tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chỉ còn bằng một nửa so với năm 2008.
Khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp sẽ khó khăn hơn rất nhiều do các nhà đầu tư nước ngoài phải hướng về chính quốc đang bộn bề khó khăn, kèm theo sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam không cao.
“Thị trường trong nước cũng được dự báo phát triển chậm do sức mua của người tiêu dùng khó có thể cải thiện so với năm 2008 (tổng mức bán lẻ hàng hoá chỉ tăng hơn 6% sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát) - sau một năm “kiệt sức” vì lạm phát và thu nhập thực tế của không ít hộ gia đình trở lại dưới ngưỡng nghèo, trong khi kỳ vọng tăng thu nhập của đại đa số nhân dân chưa thể nhanh chóng xuất hiện.
Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa “điêu đứng” do vấp phải những khó khăn từ chính sách thắt chặt tiền tệ, từ những bài học cay đắng trên thị trường xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán và bất động sản, từ khó khăn tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của mình”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Chính vì thế, giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ những biến động của giá cả hàng hoá trên thế giới không phải nằm ở chỗ hạn chế các biến động về giá ở trong nước (như khống chế bằng mệnh lệnh, bình ổn giá thông qua các quỹ), mà phải tăng khả năng thích ứng của các doanh nghiệp đối với những biến động về giá.
Về vấn đề này, TS.Nguyễn Đức Độ, Viện Khoa học Tài chính nhấn mạnh: “Việc nâng cao năng lực dự báo là cần thiết. Nó sẽ cho phép các doanh nghiệp dự báo được tốt hơn giá đầu vào để điều chỉnh nhanh giá đầu ra một cách thích hợp.
Với giá các loại hàng hoá cơ bản như dầu, gạo, thép, cũng như giá các loại hàng hoá khác phụ thuộc nhiều vào các lực lượng đầu cơ, việc nâng khả năng dự báo để hạn chế các tổn thất mà những dao động mạnh về giá gây nên sẽ rất khó khăn và khó mang lại các kết quả như mong đợi”.
Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi về giá cả hàng hoá trên thế giới thông qua việc tham gia vào các hợp đồng kỳ hạn. Giải pháp lâu dài là phải giảm sự phụ thuộc của nền sản xuất vào các loại nguyên liệu hay biến động giá dầu. Đây là hướng mà các nước phát triển đã trải qua…
Nguyễn Hiền