1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

BIDV, VietinBank nói gì về việc chi trả cổ tức gây tranh cãi?

(Dân trí) - Trong khi BIDV khẳng định tuân thủ đúng qui định của pháp luật, thực hiện đúng đầy đủ trình tự phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức tại đại hội cổ đông 2016, thì các cổ đông chiến lược của VietinBank yêu cầu ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ phiếu lại đối với quyết định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì cổ tức bằng cổ phiếu như đại hội đồng cổ đông vừa qua đã quyết định. NHNN hiện đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ của BIDV và 64,46% vốn điều lệ của VietinBank.

Tính toán của giới phân tích cho thấy, trong trường hợp BIDV và VietinBank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, ngân sách Nhà nước sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank.


Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở BIDV và VietinBank tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt tại 2 ngân hàng này.

Bộ Tài chính đề nghị NHNN với tư cách là người đại diện vốn ở BIDV và VietinBank tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt tại 2 ngân hàng này.

BIDV: Tuân thủ đúng qui định của pháp luật

Trước những thông tin trên, BIDV khẳng định, ngân hàng thực hiện đúng, đầy đủ trình tự thủ tục trình phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức năm 2015 tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016. Trong đó, ngân hàng có đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận để lại, cụ thể là thông qua hình thức chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% cho các cổ đông có tên trong danh sách chốt tại thời điểm chi trả.

Trên cơ sở yêu cầu tăng vốn, sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo qui định, tại ĐHĐCĐ 2016, BIDV đã đưa ra thảo luận các nội dung, trong đó có nội dung chia cổ tức năm 2015. Các nội dung đã được ĐHĐCĐ 2016 đã được thảo luận công khai và thông qua theo đúng qui định. Riêng nội dung Dự thảo Tờ trình ĐHĐCĐ thông qua Báo cáo tài chính năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHĐCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định “có điều kiện” và ủy quyền cho Hội đồng quản trị BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, công văn nêu rõ.

Về vấn đề tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, để triển khai các biện pháp nâng cao năng lực tài chính theo yêu cầu của NHNN, Chính phủ; ngày 8/6, BIDV đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc tháo gỡ khó khăn đối với giải pháp tăng vốn điều lệ của BIDV.

VietinBank: Đại hội đồng cổ đông đồng thuận giữ lại lợi nhuận

Còn với VietinBank, đại hội đồng cổ đông VietinBank 2016 đã đồng thuận giữ lại lợi nhuận. Trước đó, ngân hàng này cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của quốc hội, chính phủ trong việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt; trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, VietinBank đã nộp về ngân sách khoảng 10 ngàn tỷ đồng, với tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân hàng năm từ 10-16%.

“Trong giai đoạn hiện nay, khi VietinBank đang tiến tới thực hiện tính toán vốn theo Basel II; ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn bền vững, song để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II thì nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank là tương đối hạn chế do hiện tại tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ”, thông tin từ VietinBank cho biết

Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, việc VietinBank đã đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn được ngân hàng này đánh giá là “hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, đặc biệt trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài”.

Được biết, tỷ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của mộttổ chức tín dụng. Thực tế tỷ lệ CAR của các NHTM Việt Nam hiện này đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Singapore ... Có thể nói đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra khu vực. Chính vì vậy các cổ đông chiến lược cũng yêu cầu VietinBank phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

VietinBank đề xuất giữ lại lợi nhuận 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank; đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế.

Đề xuất giữ lại lợi nhuận chỉ là một trong số những giải pháp trước mắt đối với VietinBank; bên cạnh giữ lại lợi nhuận, VietinBank đang triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết khác để tăng vốn và đa dạng hóa cơ cấu vốn tự có, tạo cơ cấu vốn tự có tối ưu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn và các giới hạn phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại VietinBank, có thể xem xét nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện cho VietinBank có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển hệ thống NHTM, hệ thống tài chính và phát triển hệ thống kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm