BIDV có tân chủ tịch sau 26 tháng để trống

(Dân trí) - Sau 26 tháng để trống, chiếc ghế Chủ tịch BIDV đã được trao cho ông Phan Đức Tú.

Chiều 15/11, Ngân hàng Nhà nước đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức chủ tịch ngân hàng này.

Tân chủ tịch BIDV sinh năm 1964 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông Tú có 30 năm công tác tại BIDV, bắt đầu làm việc tại ngân hàng này từ năm 1987 và trải qua nhiều vị trí. Từ tháng 5/2012 đến nay, ông Tú giữ chức tổng giám đốc, thành viên HĐQT BIDV.


Tân chủ tịch BIDV - ông Phan Đức Tú

Tân chủ tịch BIDV - ông Phan Đức Tú

Với sự bổ nhiệm này, người phụ trách Ban điều hành BIDV sẽ do Phó Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đảm nhiệm.

Như vậy, chiếc "ghế nóng" ở BIDV bị bỏ trống sau 26 tháng đã có chủ. Kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu vào tháng 9/2016 tới nay, BIDV chỉ có người phụ trách hội đồng quản trị, đầu tiên là ông Trần Anh Tuấn và sau đó là ông Bùi Quang Tiên.

BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất và có sở hữu Nhà nước cao nhất và tính đến cuối quý I/2018, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, với sở hữu của Nhà nước hơn 95%.

Mới đây, BIDV cũng công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông để phát hành cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc hơn 600 triệu cổ phần (tương đương 17,65% vốn điều lệ) và 15% vốn điều lệ sau phát hành. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng với giá phát hành theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành.

Cách đây 2 năm, KEB Hana từng được đồn đoán sẽ mua cổ phần của BIDV, nhưng thông tin này mới chỉ được chứng thực vào ngày đầu tháng 11 này khi BIDV xin ý kiến cổ đông về việc bán 17,65% vốn điều lệ, tương đương 15% cổ phần sau phát hành cho KEB Hana để tăng vốn lên trên 40.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, liên quan tới hoạt động của BIDV, ngân hàng này vừa thông báo phát hành tổng cộng 400.000 trái phiếu với hai loại kỳ hạn là 7 năm và 10 năm. Tổng khối lượng vốn cần huy động qua trái phiếu này là 4.000 tỷ đồng.

Lãi suất tham chiếu được ngân hàng tính toán dựa trên trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VNĐ trả sau cho kỳ hạn 12 tháng hoặc tương đương của 4 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank công khai trên website chính thức.

BIDV cho biết, mục đích của việc phát hành trái phiếu huy động vốn lần này là nhằm tăng quy mô vốn cho ngân hàng. Giá bán trái phiếu ra công chúng ở mức 10 triệu đồng/trái phiếu...

An Hạ

BIDV có tân chủ tịch sau 26 tháng để trống - 2