Cần Thơ:
Bianfishco chính thức "đổi chủ"
(Dân trí) - Sáng nay 25/8, Công ty CP Thủy sản Bình An tổ chức họp báo công bố chính thức Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội là cổ đông sáng lập sở hữu 50% vốn điều lệ và tham gia tái cấu trúc toàn diện công ty cũng như kế hoạch trả nợ cho nông dân.
Mở đầu buổi họp báo, ông Trần Văn Trí- TGĐ Công ty CP Thủy sản Bình An (BinhAnFishco- Cty Bình An) cho biết, thời gian qua Cty Bình An như “cá nằm trên thớt” nên gặp rất nhiều khó khăn, chính vì thế chưa thể trả nợ hết cho các chủ nợ. Ông Trí cho rằng, nếu Cty Bình An phá sản thì sẽ bất lợi vô cùng, mà bà con nông dân nuôi cá là những người chịu thiệt thòi nhất. “Tôi thay mặt vợ tôi là Diệu Hiền gửi lời xin lỗi chân thành đến bà con”- ông Trí nói.
Tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng
Ông Trần Văn Trí cho biết, ngày hôm qua 24/8, các đơn vị liên quan đã có mặt tại Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.Cần Thơ để làm các thủ tục cần thiết cho việc đăng ký kinh doanh tái cấu trúc hoạt động của Cty Bình An. Cũng trong ngày 24/8, Sở Kế hoạch- Đầu tư đã cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới, với ông Trí là người đại diện pháp luật và Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) là cổ đông sáng lập của Cty Bình An.
Theo các biên bản được ký kết, SHB đã hoàn thiện các thủ tục để trở thành cổ đông nắm giữ 50% cổ phần của Cty Bình An. 50% còn lại do ông Trần Văn Trí nắm 2% (thay bà Phạm Thị Diệu Hiền là người đại diện pháp luật của công ty), còn 48% là của 103 cổ đông khác.
Song song đó, SHB phối hợp cùng Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng- Bộ Tài chính (DATC) xây dựng phương án tái cấu trúc lại Cty Bình An trong thời gian sớm nhất.
Về tái cấu trúc lại Cty Bình An, theo ông Phạm Thanh Quang- Giám đốc DATC cho biết, DATC và SHB sẽ cùng tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Cty Bình An. Phía SHB sẽ giải ngân cho Cty Bình An trả nợ tiền mua nguyên liệu của nông dân, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Quang cho biết, các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đã đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Cty Bình An trong khoảng thời gian 3 năm. Đối với các chủ nợ lớn như BIDV, VDB sẽ đàm phán để chuyển nợ thành vốn góp khi Cty Bình An tăng vốn điều lệ.
Đại diện DATC cũng cho hay, sau khi đi vào hoạt động ổn định, Cty Bình An sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng nhằm tăng năng lực tài chính, giảm chi phí đầu vào. Sau đó, triển khai thành lập Tổng Công ty CP Thủy sản Bình An trên cơ sở mở rộng, tiếp nhận các công ty con.
Cũng liên quan đến tái cấu trúc Cty Bình An, ông Trần Văn Trí cho rằng, hiện Bình An cần nhu cầu vốn để thu mua cá nguyên liệu hoạt động sản xuất tự doanh vì gia công hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời. Vốn để nuôi cá do 100ha diện tích đất, các khu nuôi đang bị treo vì không còn nguồn vốn để tiếp tục nuôi và vốn để sản xuất thức ăn phục vụ nuôi cá. “Nếu sớm được tái cơ cấu các khoản nợ, cung cấp thêm vốn để Cty Bình An thực hiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài thì Bình An có thể đạt doanh thu 200- 250 triệu USD/năm”- trong báo cáo của TGĐ Công ty CP Thủy sản Bình An nêu rõ.
Trả nợ dứt điểm cho dân đến cuối năm 2012
Trong một báo cáo mới đây về tình hình của Cty Bình An cho biết, hiện Bình An còn nợ các hộ nông dân, công ty và doanh nghiệp trên 332,7 tỷ đồng. Tại buổi họp báo, theo ông Trần Văn Trí, yêu cầu cấp bách hiện nay là trả nợ cho nông dân, công ty, doanh nghiệp mà Cty Bình An đã nợ. Với số nợ này, ông Trí cho biết sẽ vay và trả trước cho các hộ nông dân, công ty, doanh nghiệp 30% trên tổng số tiền nợ.
Luật sư Nguyễn Hồng Ngân (đại diện pháp luật cho các hộ nông dân) cho rằng, hiện mong muốn của bà con nông dân là Bình An phải trả nợ ngay trong tháng 8 này. Trong khi đó, không còn quá “nóng” như những lần gặp trước, bà con nông dân sau khi biết tin Bình An sẽ được tái cấu trúc lại và lên kế hoạch trả nợ cho dân đều tỏ thái độ vui nhưng vẫn còn lo bởi tiền chưa cầm trong tay.
Ông Nguyễn Quang Tuyến (ngụ TP Cần Thơ, đại diện các hộ dân) cho biết, hiện Bình An còn nợ ông gần 2 tỷ đồng nhưng khi nghe Bình An sẽ cấu trúc lại thì ông cũng “thở phào”. Ông Tuyến cho hay, người dân nuôi cá đều vay vốn ngân hàng và cả bên ngoài “xã hội đen” với lãi cao nên mong muốn công ty có nguồn tiền sớm để thanh toán cả gốc lẫn lãi cho bà con yên tâm. “Cũng không phải lấy được nợ là xong, nếu Bình An sớm cơ cấu làm ăn tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp nguồn cá nguyên liệu cho công ty sản xuất”, ông Tuyến khẳng định.
Qua các câu hỏi của PV và các hộ dân về thời gian trả nợ trong buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lê- Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, sau khi SHB tham gia chính thức vào việc tái cấu trúc Cty Bình An (cụ thể là sau buổi họp báo ngày 25/8- PV), SHB sẽ tiến hành các thủ tục xem xét, đối chiếu các khoản nợ mà Cty Bình An nợ dân để lên kế hoạch chi trả.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên trả trước 30% đối với các khoản nợ nhỏ sau đó sẽ có kế hoạch trả các khoản tiếp theo. Chúng tôi cam kết sẽ trả nợ đầy đủ cho dân”- ông Lê khẳng định. Cũng theo ông Lê, thời gian trả 30% số nợ cho dân dự kiến ngay trong tháng 8 này hoặc ngay đầu tháng 9; còn 70% còn lại sẽ trả dứt điểm cho đến hết năm 2012.